Thế rồi từ trên đỉnh núi Tao Phùng Chân Không, vạn vật đang chìm trong màng đêm tăm tối của thành trụ hoại không, muôn loài đang mộng mị trong giấc mơ từ vô lượng kiếp của sanh trụ dị diệt, con người đang say mê tranh quyền bá vị theo dòng chảy của hưng suy được mất. Có một người vẫn lặng lẽ ngồi trong thất Pháp Lạc, mặc cho bao cuộc thăng trầm của Triều đại, mặc cho mấy cuộc thay đổi của bể dâu. Cửa thất vừa khép lại thì đã bặt hết dấu vết tự ngàn đời, đến khi cánh cửa hé mở thì vạn vật như đang được hồi sinh, thiền phong cao vút như trên đỉnh núi Tiêu Dao, bước chân của Long tượng đi vững vàng trên đường Thạch Đầu vô cùng trơn láng.
Sau đó Tâm hoa lại đua nở trên mảnh đất khô cằn nóng bức, Chư Tăng khắp nơi hướng về Thiện viện Thường chiếu như kẻ cùng tử nhận ra của báu chấm dứt cuộc đời khố rách lang thang. Các Thiền sinh đã vượt lên chính mình trước khí hậu khắc nghiệt của vùng đất linh thiêng, để rồi bản ngã tự mài mòn, tháo chốt lầm chấp nhổ đinh thiên kiến, hòa nhập cuộc đời đầy sóng gió như an trú trên hải đảo bình yên, như thuyền bát nhã vượt trùng dương đến bờ kia giải thoát.
Theo dòng thời gian, Thiền Phái Trúc Lâm lại được tỏa sáng trên đỉnh núi phụng Hoàng Đà lạt, nội viện được thành lập, ngoại viện được chỉnh trang, chư Tăng phát nguyện dấn thân tu hành, trãi nghiệm nội tâm trong bốn bức tường khép kín. thế rồi nguyện lực như nhiên, vô tự chân kinh bặt hết rừng thị phi ngôn ngữ, có những tiếng “ À ” giữa đêm thâu làm chấn động cả thế giới ba ngàn, có những Thiền Tăng dạo sanh tử mộng như an trú cõi Niết Bàn vô sanh, dấu vết của vô thường không hề kinh động đến “ vô vị chân nhân”.
Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử tiếp tục lan tỏa đến trời Tây, Hòa Thượng Tôn Sư đã chống tích trượng hơn nửa vòng trái đất, đặt nơi đây là Tổ Đình Thiền Viện Đại Đăng, là trụ sở của hội Thiền học Việt Nam tại Hải ngoại. Do cơ sở Thiền Viện quá chật hẹp, thiếu điều kiện an toàn nên Thiền Viện Đại Đăng cần xây cất một trung tâm mới đúng tiêu chuẩn theo luật hiện hành.
Sự kiện ra đời của Thiền Viện Đại Đăng tại Hoa Kỳ đã ghi dấu một bước ngoặc trọng đại trong lịch sử truyền thừa của Thiền Tông Việt Nam tại hải ngoại. Đây không phải là một sự kiện ngẫu nhiên, mà là một sứ mạng thiên liêng của mạch nguồn của Đạo Pháp. Sự kiện này đã chứng minh một cách hùng hồn sự phát triển của nền văn hóa Thiền Học Việt Nam.
Trải qua bao thời đại, Phật Giáo Việt Nam nói chung và Thiền Học Việt Nam nói riêng, cũng chịu ảnh hưởng theo sự thăng trầm của thế sự. Tuy nhiên trong sự vô thường sinh diệt của dòng đời luôn ẩn tàng một sức sống mãnh liệt, đầy tính chất linh động và sáng tạo. Mỗi lần dừng lại là củng cố sức mạnh chuẩn bị tiến lên; mỗi lần vấp ngã là cơ duyên tạo thêm sức mạnh nội tâm để phục vụ Đạo Pháp và Dân Tộc. Qua bao năm gầy dựng và tái tạo, có lẽ cơ duyên Đạo Pháp đã đến lúc chín muồi, cho nên hôm nay khắp nơi trên thế giới đã hưởng được hương vị đậm đà của Thiền Học Việt Nam. Công trình xây dựng Thiền Viện Đại Đăng là hương thơm mật ngọt được kết tinh từ hoa trái Trúc Lâm, cành lá Thường Chiếu và gốc rễ Chơn Không.
Đây là nguyện vọng chung của tất cả mọi người. Công trình này có được thành tựu hay không là tùy thuộc vào tâm đạo nhiệt thành của các Phật tử bốn phương, chung vai góp sức với chư Tăng để đưa ngọn đèn Đại Đăng luôn sáng mãi. Nhân duyên này là cơ hội nối tiếp mạch nguồn Thiền Tông mà chư Tổ truyền trao phó chúc cho hàng hậu lai.
Rất mong quý Phật Tử hoan hỷ và trợ duyên đắc lực cho Phật sự được thành tựu viên mãn.
Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.