Xây dựng

DIỄN VĂN KHAI MẠC LỄ ĐẶT ĐÁ XÂY DỰNG TVTL ĐẠI ĐĂNG

DIỄN VĂN KHAI MẠC LỄ ĐẶT ĐÁ XÂY DỰNG
THIỀN VIỆN TRÚC LÂM ĐẠI ĐĂNG

SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ TIẾN HÀNH XÂY DỰNG
THIỀN VIỆN TRÚC LÂM ĐẠI ĐĂNG
***

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

– Chúng con xin thành tâm ngưỡng vọng về Thiền Viện Thường Chiếu đê đầu đảnh lễ Hòa Thượng Tôn Sư vô vàn kính yêu.

– Ngưỡng bái bạch Hòa Thượng Trưởng Ban Quản Trị Thiền Phái Trúc Lâm, cùng Chư Tôn Thiền Đức Ban Quản Tri Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam.

– Kính bạch Chư Tôn Thượng Tọa Ban Điều Hành Hội Thiền Học Phật Giáo Thiền Tông Việt Nam Hải Ngoại.

– Kính thưa Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni cùng toàn thể quý vị quan khách, quý đồng hương Phật tử xa gần đồng qui tựu về chứng dự lễ đặt đá xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Đại Đăng hôm nay.

– Kính thưa Chư Quý Liệt Vị!

Hôm nay, nhân duyên lành đạo pháp đặc biệt, nơi phương trời viễn xứ tha phương thuộc miền nam tiểu bang California, Mỹ quốc. Trong bầu không khí thanh lương mát mẻ của mùa thu êm ả. Một ngày mới lại bắt đầu trong ánh ban mai tràn đầy sức sống, chan rải một năng lượng an lành, ấm áp lan tỏa khắp muôn phương. Tất cả muôn loài vạn vật đang thức dậy, tắm mình trong ánh triêu dương rực rỡ, được xông ướp một từ lực an lành đượm nhuần sinh khí, vô lượng vô biên. Toàn thể nhân sinh vũ trụ đang tiếp nhận một điềm lành mang đến nguồn tin an vui hạnh phúc, trong ánh sáng trí tuệ và từ bi của mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, chư Tổ Sư đồng qui tựu nơi đây.

Trước mắt vườn xuân một đóa hoa,
Linh Sơn Pháp Hội diễn bày ra,
Nụ cười thầm lặng rền như sấm,
Chấn động ngàn sau nhịp sống hoà.

Quả thật vậy, Chúng con vô cùng diểm phúc được sự quan tâm chiếu cố của quý Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thương Tọa, Chư Đại đức Tăng Ni cùng tất cả quý vị đồng hương Phật tử xa gần. Hôm nay, tất cả mọi người đồng qui tựu về chứng dự buổi lễ đặt đá xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Đại Đăng, sự chứng dự của quý ngài thật là một nguồn khích lệ lớn lao cho chúng con và sự hiện diện của quý vị là niềm hân hoan, vui mừng của chúng tôi.

Ai đã đến như lời xưa hẹn ước,
Trái tim này dâng hiến trọn cho đời,
Vô lượng kiếp dìu nhau chung nhịp bước,
Vạn nẻo đường nhân thế mộng đấy vơi.
Cuộc hành trình lăn lóc mãi chưa ngơi,
Người còn khổ, ai còn đây chí nguyện.

– Kính thưa quý Ngài !

– Kính thưa quý liệt vị !

Vào năm 1994, Nhóm Phật tử trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại cung thỉnh Hòa Thượng Tôn sư Thượng Thanh Hạ Từ, Thiền Chủ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam, Viện Trưởng Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, các Thiền Viện trong và ngoài nước. Lần đầu tiên vượt đại dương, chấn tích quan lâm sang Châu Âu và Bắc Mỹ. Thổi một ngọn Thiền phong vào lòng đất Tây phương, đem lại sự thanh lương mát mẻ cho mọi người. Như nắng hạn lâu ngày gặp được cơn mưa rào bắt đầu ươm mầm sự sống. Như trẻ thơ khát sữa trông chờ, được mẹ mớm cho bầu sữa ấm. Mọi người rất vui mừng như được của báu. Cảm nhận được sự lợi ích lớn lao và vô cùng thiết thực của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sự bình an và hạnh phúc được biểu hiện ngay trong đời sống hiện tại, khi ứng dụng thực tập Thiền. “Tự tri, tự giác, tự hiểu biết mình qua mỗi hành động của thân, mọi ý niệm mống khởi của tâm và ý thức rõ ràng mọi việc xảy ra xung quanh”. Nhận thức rõ rằng: Giải thoát không phải là cái gì quá xa xôi ở tận phương trời nào và sự giác ngộ không phải do một đấng tối cao nào ban bố hay mặc khải cho mình. Chân lý nằm sẳn bên trong tất cả mọi chúng sinh. “Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc”. “ Quán sát lại chính mình là phận sự gốc, không phải từ bên ngoài mà được’. “Thường sống với cái chân thật rõ ràng thường biết, không theo cái giả”. “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”.

Rõ ràng: Chân lý hiện bày muôm cảnh sắc,
Chớ buông trước mắt chạy tìm đâu,
Mê ngâm trong nước luôn lo khát,
Tỉnh ra há miệng nước đầy mồm.

Cảm nhận sâu sắc và thấy rõ giá trị thực của Thiền, Đặc biệt là Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Muốn chia sẻ sự lợi lạc đến với mọi người, không chỉ riêng cộng đồng người Việt hải ngoại, mà muốn cho sức sống Thiền Tông Việt Nam lan tỏa khắp năm châu, được mọi người Tây phương biết đến. Phật tử Hải ngoại đã hợp tác cùng nhau mua một cơ sở với 9 mẫu tây đất, dâng cúng lên cho Hòa Thượng ân sư. Thiền Viện Đại Đăng đã được khai sinh trên đất Mỹ!

Sự ra đời của Thiền Viện Đại Đăng tại Hoa Kỳ đã ghi dấu một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử truyền thừa của Thiền tông Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại. Đây không phải là một sự kiện ngẫu nhiên, mà là một sứ mạng thiêng liêng của mạch nguồn Đạo pháp và dân tộc đã giao phó. Sự kiện nầy đã minh chứng một cách hùng hồn sự lớn mạnh và trưởng thành của nền văn hóa Thiền học Việt Nam thời phục hưng cuối thế kỷ 20, do Hòa Thượng Tông chủ Thiền sư Thích Thanh Từ chủ trương, khôi phục lại dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, chính Sơ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng (tức vua Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi đi tu và ngộ đạo) sáng lập. Ngài đã kết hợp ba dòng thiền từ Tây Thiên , Đông Độ truyền vào Việt Nam:

Dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi thế kỷ thứ sáu, Vô Ngôn Thông thế kỷ thứ chín và Thảo Đường thế kỷ thứ mười một, thành một phái thiền đặc sắc và độc đáo mang đậm tính dân tộc.

Chúng con vô cùng diễm phúc, tuy sinh ra trong đời mạc pháp cách Phật rất lâu xa, nhưng lại gặp được Minh Sư và Chánh Pháp, như rùa mù dưới đáy biển sâu vạn dậm bị sóng dập gió dồi nơi biển cả mênh mông, vừa trồi lên mặt nước lại gặp được bọng cây trôi qua đúng lúc để chui vào an ổn qủa thật là một sự kiện tram ngàn lần ít có khó được.

Chúng con rất lấy làm hãnh diện và tự hào được làm môn đồ pháp quyến của Tôn Sư, được học hỏi hiểu biết và ứng dụng thực hành tu tập theo dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nhờ công lao khó nhọc và hạnh nguyện cao cả của Ngài, để hôm nay chúng con thừa hưỡng được một di sản tinh thần vô cùng quý giá. Hạnh nguyện và ân đức của Ngài thật không bút mực nào có thể ghi tả cho hết được.

Ôi ân đức bao la như vũ trụ
Như Hy Ma Lay A sừng sững ngất mây mù
Như Thái Bình dào dạt dạ từ dung
Như Nhật nguyệt không trung luôn rạng chiếu.
Ân đức ấy sâu dày khôn xiết tả,
Xin ghi lòng tạc dạ chẳng hề phôi,
Xin nguyện cầu lên Tam Bảo ba ngôi,
Cho người được bình an vui khoẻ mãi.

Ngày nay lịch sử vẫn còn chứng minh một cách hùng hồn về Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Một dòng Thiền đã mở ra trang sử huy hoàng cực thịnh cho Phật giáo Việt Nam. Đồng thời cũng hun đúc tạo thành một sức sống mãnh liệt trổi dậy quật cường cho lịch sử vàng son của dân tộc trong thời dựng nước và giữ nước đời nhà Trần. Một thời đại đã tạo nên chiến công oanh liệt với kỳ tích vang lừng, ba lần đẩy lùi , đánh bại quật ngã ba đợt tiến quân xâm lược của giặc Nguyên Mông phương bắc, một đế quốc hung hãn , tàn bạo nhất thời bấy giờ. Đem lại nền độc lập tự cường vẽ vang cho dân tộc suốt mấy trăm năm hòa bình thạnh trị.

Trải qua bao thời đại thăng trầm của đất nước. Phật giáo Việt Nam nói chung và Thiền học Phật giáo Việt Nam nói riêng, đã từng chịu ảnh hưởng theo chiều thạnh suy của thời cuộc. Tuy nhiên trong sự vô thường sanh diệt của dòng đời, luôn luôn hàm chứa và ẩn tàng một sức sống mãnh liệt, đầy tính linh động và sáng tạo. Mỗi lần dừng lại để cũng cố sức mạnh, chuẩn bị tiến lên. Mỗi lần chùng xuống là tạo nên một nội lực thâm hậu để vương lên trổi dậy quật cường. lùi một bước để tiến xa vạn dậm. Qua bao năm gầy dựng và tái tạo, có lẽ cơ duyên đạo pháp đã đến lúc chín mùi, cho nên hôm nay nhiều nơi trên thế giới đã hưởng được hương vị đậm đà của Thiền học Việt Nam.

Sự thành tựu của Thiền Viện Đại Đăng là hương thơm, mật ngọt được kết tinh từ hoa trái Trúc Lâm, cành lá Thường Chiếu và gốc rễ Chân Không. Xa hơn nữa, sự kiện lịch sử vẫn còn ghi:

Linh Sơn Pháp Hội Tây Thiên,
Đầu Đà Ca Diếp sơ nguyên tâm truyền.
Đem đạo pháp cơ huyền tiếp nối,
Hăm tám đời sang chói Phật Tông.
Đạt Ma vượt biển sang đông,
Sáu đời Y Bát nối dòng truyền trao.
Suối Tào Khê dạt dào tuôn chảy,
Yên Tử sơn ba phái gom dòng,
Giác Hoàng Điều Ngự tiên phong,
Trúc Lân Tam Tổ cơ phong lẩy lừng.
Để rồi từ đó:
Ngọn Tổ Đăng sang bừng Nam Việt,
Giống rồng tiên anh kiệt hưng long….
Nguồn linh liên lỉ xuôi dòng
Vũng Tàu Núi Lớn khai thông mạch tràn
Pháp Lạc thất cười tan vở mộng
Đạt lý thiền mở cửa Chơn Không
Đồng nai năm Chiếu rừng tòng
Thường, Linh, Viên, Phổ, Huệ đồng sáng soi.

Thiền Viện Đại Đăng được làm lễ tiếp nhận ngày 15 tháng 9 năm 2001, tọa lạc tại số 6326 Camino Del Rey thành phố Bonsall, quận hạt San Diego, thuộc miền nam tiểu bang California. Dây là một trung tâm nghiên cứu tu học của Hội Thiền Học Việt Nam lần đầu tiên chính thức được thành lập tại Hoa Kỳ. Cơ sở nầy trực thuộc dưới sự lãnh đạo và giáo hóa theo chủ trương, đường lối tu thiền của Hòa Thượng Tông Chủ Thiền Sư Thích Thanh Từ. Ngài đã chính thức công bố đặt để nơi đây là Tổ đình của Thiền Tông Phật Giáo Việt Nam hải ngoại. Đây là nơi chuyên tu và đào tạo tăng sĩ đồng thời cũng là nơi hướng dẫn phương pháp tu tập hành thiền cho các thiền sinh khắp nơi muốn về tu tập, không dành riêng cho người Việt mà chung cho tất cả người Tây Phương.

Sự ra đời của Thiền Viện Đại Đăng nhằm đáp ứng thỏa đáng nguyện vọng tha thiết của các thiền sinh Phật tử hải ngoại đã từ lâu qui hướng tu tập theo chủ trương đường lối tu thiền do Hòa Thượng Tôn Sư đề xướng. Qua nhiều năm thai nghén, ước mơ của các Phật tử mong muốn làm sao có được nơi yên ổn tu tập, nay hội đủ duyên lành, ước vọng đó đã được thành tựu trong niềm hân hoan vui sướng của mọi người.

Sau ngày làm lễ An Vị, Thiền viện đã chính thức đi vào hoạt động. Thời khóa tu học của Thiền viện Đại Đăng áp dụng theo khuôn mẫu Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt Việt Nam, mọi sinh hoạt đều chấp hành nghiêm chỉnh theo Thanh qui mà Hòa Thượng Tông Chủ Thanh Từ đã vạch ra, đặc biệt là tinh thần Lục hòa được áp dụng triệt để. Cuối tuần hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật là thời khóa tu thường lệ dành riêng cho Phật tử do chư Tăng hướng dẫn. Ngoài ra nếu có thiền sinh nào muốn đến Thiền Viện tu tập dài hạn cũng được khuyến khích giúp đỡ.

Hiện nay số lượng Phật tử qui tựu về Thiền Viện mỗi ngày thêm đông bởi do pháp môn tu thiền do Hòa Thượng chủ xướng hoàn toàn khế cơ, khế lý, cho nên các Phật tử dễ cảm thông và thực hành đạt được nhiều an lạc. Những người Tây Phương cũng bắt đầu hiểu biết và tiếp nhận qua hệ thống thông tin Internet và sách vở của Hòa Thượng đã được phiên dịch ra ngoại ngữ nên cũng tìm đến xin tu học.

Nhưng trung tâm hiện nay chi là tạm thời, không đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu tu học ngày càng đông đảo của các Phật tử. Cũng duyên may, cơ sở mua lại của chủ trước có sẳn chuồng ngựa và trại chứa cỏ cho nên chúng tôi sửa sang lại sạch sẽ, biến uế độ thành Tịnh độ, chư Tăng ở tạm trong các chuồng ngựa đã sửa lại, còn trại chứa cỏ cũng được sửa lại ngăn đôi, một bên làm Thiền đường, một bên làm Trai Đường. Thiền Đường chỉ chứa được tối đa là 40 – 50 người, còn Trai Đường không qúa 100 người. Số Phật tử về sinh hoạt cuối tuần có khi lên gấp đôi. Do đó cơ sở Thiền Viện hiện giờ đã trở nên qúa nhỏ bé và chật chội, hơn nữa cơ sở nầy vì quá cũ mục, bị mối mọt, thiếu điều kiện an toàn và chỉ sử dụng được vài năm nữa mà thôi. Vì vậy, mặc dầu không muốn nhưng cũng phải làm. Thiền Viện Đại Đăng cần phải được mở rộng, xây cất một trung tâm mới theo đúng tiêu chuẩn của một trung tâm tu học an toàn theo luật hiện hành.

Đây cũng là tâm huyết và hoài bảo của HT tôn sư trong sự nghiệp hoằng hóa và truyền bá Thiền Tông. Đồng thời cũng đáp ứng hoàn cảnh khó khăn hiện tại trong sinh hoạt tu tập của chư Tăng và Phật tử. Tuy rằng trong thời gian xin giấy phép gặp rất nhiều trở ngại, nhưng nhờ sự gia hộ của Tam Bảo, nhờ ân phước của Hỏa Thượng Tôn Sư cùng tâm đạo nhiệt thành của người con Phật, cho nên tất cả Phật tử đã đồng tâm hiệp lực, chung vai sát cánh hợp tác với chư Tăng chung lo gánh vác Phật sũ chung, cuối cùng tất cả chướng ngại đã vượt qua.

Đây là nguyện vọng chung của tất cả mọi người. Nguyện vọng nầy có được thành tựu hay không còn tùy thuộc vào tâm đạo nhiệt thành của các Phật tử bốn phương chung vai góp sức cùng với chư Tăng để đưa ngọn đèn Thiền Tông Trúc Lâm Đại Đăng vươn cao sáng mãi.

Đây là cơ duyên đạo pháp đặc biệt và là một sứ mạng trọng đại của Thiền Tông Việt Nam. Cơ duyên nầy không chỉ là sự kiện đặc biệt cho đạo pháp và dân tộc việt nam mà còn là biểu hiện thiêng liêng của mạch nguồn Phật pháp mà chư Phật, chư Tổ đã ân cần truyền trao phó chúc cho hàng Thiền Tăng hậu tấn phải thừa đương tiếp nối hóa độ chúng sanh mãi mãi không bao giờ dứt mất.

Mong quý Phật tử hiểu được giá trị thiêng liêng cao qúy của lịch sử truyền bá Thiền Tông Việt Nam hải ngoại, hoan hỷ và trợ duyên đắc lực cho Phât sự được thành tựu viên mãn như nguyện.

Cuối cùng, chúng con xin thành tâm kính chúc toàn thể Chư Tôn Đức Tăng Ni thân tâm thường an lạc. Kính chúc tất cả quý quan khách,quý đồng hương Phật tử xa gần luôn được mạnh khỏe bình an, vạn sự kiết tường như ý. Xin thành tâm tri ân tất cả mọi nhân duyên tốt đẹp để thành tựu cho ngày Lễ đặt đá hôm nay. Trên tinh thần hoằng dương Chánh pháp tác Như Lai sứ,hành Như Lai sự, chúng tôi xin tuyên bố Khai mạc Lễ đặt đá Thiền Viện Trúc Lâm Đại Đăng.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma ha tát .