Bài học hay

LỢI ÍCH CỦA VIỆC THỌ GIỚI VÀ GIỮ GIỚI

Lợi ích của việc thọ giới và giữ giới
ĐĐ Thích Khế Định dịch & chú giải

LỢI ÍCH CỦA VIỆC THỌ GIỚI VÀ GIỮ GIỚII. DẪN NHẬP
A.    Phần Duyên Khởi:
Khi xưa, Phật thuyết pháp 49 năm hơn ba trăm pháp hội, diệu nghĩa thật thâm lường ẩn áo uyên thâm kín nhiệm. Nhưng không vượt thoát ba cửa vô lậu. Đó là con đường: “Giới-Định-Tuệ”. Vì sao? Vì có giữ giới tâm mới có định, tâm định thì tuệ mới phát sanh. Như vậy chúng ta khẳng định rằng giới là căn bản chính để thuận dòng giải thoát, con đường thành Phật tác Tổ cũng từ đây.

Kinh Tâm Địa Quán Phật dạy:
“Người giữ gìn giới luật dù xuất gia chỉ trong một ngày đêm cũng được hai trăm vạn kiếp không sa đọa ác thú. Người đó thường sanh nơi nhàn cảnh, hưởng phước trí thù thắng, thường gặp Thiện tri thức, vĩnh viễn không thoái chuyển, thường gặp chư Phật được Phật thọ ký, ngồi tòa kim Cang thành bậc Đại Giác”.

Do đó, người xưa thường nói: “Giới có công năng như chiếc bè báu đưa người qua bể khổ, giới là cửa ngõ vào cảnh Niết Bàn. Thế nên trong mười tông phái của Phật giáo, dù chúng ta tu theo tông phái nào cũng phải lấy giới làm thầy. Cho nên người muốn được quả vui, dứt trừ mầm mống của khổ đau mà không giữ gìn tịnh giới thì không thể được”.

Kinh Đại Niết Bàn Phật dạy:
“Giới là thềm thang của tất cả pháp lành, cũng là cội gốc của tất cả thiện pháp: như quả đại địa là cội gốc của tất cả thảo mộc phát sanh.
Giới là một đấng Đạo Sư tối cao của các thiện căn: là vị thượng chủ dẫn dắt đàn thương nhân.
Giới là thắng tràng của tất cả các thiện pháp: như thắng tràng của Thiên Đế Thích.
Giới là công năng đoạn trừ vĩnh viễn tất cả ác nghiệp và tam ác đạo, như các dược thảo có công năng trị liệu tất cả các thứ ác bệnh.
Giới là tư lương trên đường hiểm sanh tử, giới là chiếc áo giáp đồng, là cây gậy thần trừ diệt ác thần kiết sử.
Giới là một thần chú tối linh, diệt trừ rắn độc phiền não. Giới là cây cầu để qua khỏi hạnh nghiệp tội ác”.

Như vậy, chúng ta khẳng định rằng: Dù chúng ra có thực hành pháp môn nào: hoặc Thiền quán, Tịnh độ, Mật chú… bất luận đoạn phiền não hay chứng chơn thường, đối với giới pháp của Phật dạy, đều phải óc tính cách quyết định thọ mạng của hành giả. Nếu không giữ giới được tinh nghiêm thì tất cả các việc công phu hành trì đều không có thể thành tựu.

Như trong Kinh Lăng Nghiệm Phật đã từng dạy:
“Như nấu cát mà muốn thành cơm, trọn không thể có được”. Ngay đây hành giả phải tự nghiệm lấy, chớ nói suông vô ích, đến khi bệnh nặng những tri kiến, tri giải học suông một đời làm sao cứu nổi cơn vô thường sắp đến! Phải biết rõ vua Diêm La không kiêng nể một ai, cho dù chúng ta thông suốt Tam Tạng Kinh điển.v.v… Đều không màng đến nếu không tịnh nghiệm giới pháp.

Thiền Sư Quy Sơn dạy:
“Một mai bệnh nặng trên giường, mọi thứ đau đớn đoanh vây bức bách. Sớm tối lo nghĩ, trong lòng lo sợ bồi hồi. Đường trước mịt mờ chưa biết về đâu, bây giờ mới biết ăn năn, đợi khát đào giếng sao kịp?
Hận mình sớm chẳng lo tu, đến lúc tuổi già nhiều điều tội lỗi. Khi sắp rời bỏ cuộc đời sự sống tan rã nhanh chóng, trong lòng khiếp sợ kinh hoàng. Giống như lưới thủng chim bay, thức tâm theo nghiệp. Như kẻ mắc nợ, ai mạnh kéo trước, trong tâm nhiều mối, nặng đâu sa đó”.

Như vậy, chúng ta thấy rõ, trên từ chư Phật dưới các bậc Tổ sư đều dạy chúng ta lúc còn khỏe mạnh phải thúc liễm thân tâm trau dồi giới đức. Song điều tiên quyết ở đây là làm sao để phát huy năng lực của định và tuệ? Nhưng nếu không có giữ gìn giới hạnh trang nghiêm thì thử hỏi định và tuệ làm sao phát khởi?

Kinh Niết Bàn, Phật dạy:
“Nếu không có hộ trì giới luật làm sao được Phật tánh? Tất cả chúng sanh dù sẵn có Phật tánh, nhưng phải nhờ trì giới. Sau đó Phật tánh mới hiển lộ, nhân thấy Phật tánh mới chứng được giác trí”.

B. Bản Chất và Giới Thể Của Giới Luật:
Nói chung giới luật thì nhiều, nhưng không ngoài hai môn: “Chỉ trì và tác trì”.

1) Chỉ trì: là đình chỉ, đình chỉ không làm các điều ác, tức là quy định về điều giới, đó là giới thuộc chỉ trì. Song bản chất của chỉ trì lại có hai: thứ nhất là ngăn ngừa để tránh xa các tội ác, như cấm uống rượu… vì nó có thể phạm vào trọng tội khác như: uống rượu say có thể dẫn đến sát sanh (giết người)… tà dâm (hãm hiếp phụ nữ). Thứ hai là cấm hẳn các việc: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, chích hút xì ke ma túy vì chúng là những tội ác ngay trong bản chất.

2) Tác trì: là tu thiện, tức là làm các điều thiện, nghĩa là quy định về các pháp yết ma, đó là luật thuộc về tác trì. Thí dụ: thực hành 10 giới là: “Chỉ trì” giữ gìn giới pháp tăng tưởng thiện tâm là “Tác trì”. Nên nói giới luật là: “Phòng phi chỉ ác” nghĩa là dừng ác nơi thân, miệng, ý.
Song trong hai phần Chỉ trì và Tác trì nêu trên, điều quan trọng nhất chính là “Giới thể”. Bởi vì giới thể là “Vô biểu nghiệp” tức là năng lực tác ý luôn luôn hoạt động khi chúng ta giữ gìn giới pháp. Năng lực có được giới thể này là khi chúng ta phát nguyện thọ trì giới pháp của Phật, với thâm tâm thành kính ứng tác từ thể tánh vô niệm. Như thế, giới thể là một năng lực sống động khi chúng ta tiếp xúc căn cảnh trong cuộc sống giữa đời thường, nó có một công năng hoàn bị, khi chúng ta sắp sửa phóng tâm dục nhiễm.

Như vậy, chúng ta muốn được an vui và hạnh phúc, thoát khỏi cảnh trầm luân của kiếp người, ta đừng có mơ mộng đâu xa, mà ở ngay nơi mảnh đất thực tại này, ta luôn luôn tỉnh giác về thân, khẩu, ý.

Trong Kinh A Hàm Phật có dạy:
“Này các thầy Tỷ kheo! Có một người buổi sáng ý nghĩ điều lành, miệng nói lời lành, thân làm điều lành. Người ấy có một buổi sáng an ổn và hạnh phúc.
Này các thầy Tỷ kheo! Có một người buổi trưa ý nghĩ điều lành, miệng nói lời lành, thân làm điều lành. Người ấy có một buổi trưa an ổn và hạnh phúc.
Này các thầy Tỷ kheo! Có một người buổi chiều ý nghĩ điều lành, miệng nói lời lành, thân làm điều lành. Người ấy có một buổi chiều an ổn và hạnh phúc”.

Qua đoạn Kinh văn này, chúng ta thấy rõ Đức Phật đâu có dạy điều gì cao siêu mầu nhiệm, mà chỉ dạy một buổi sáng ý nghĩ điều lành… Đây là bí yếu vào đạo, là cửa ngõ để đi đến con đường của “Giới-Định-Tuệ”. Vì sao? Vì khi chúng ta không tỉnh giác thì dễ dấy niệm ác, mà đã dấy niệm ác thì luôn luôn tìm cách hại người này, hại kẻ khác. Song những hạt giống ác pháp này nó không mất, mà nó tích lũy đủ nhân đủ duyên nó tạo ác, mà đã tạo tác rồi thì giới pháp khó mà giữ được. Còn chúng ta luôn nghĩ về điều lành, thân làm điều lành, miệng nói lời lành, thì hạt giống thiện pháp này tích lũy và tăng trưởng lên. Từ đó, ta đi vào cuộc sống giữa đời thường này giới thể tự bộc phát và giữ gìn pháp thân huệ mạng cho ta. Đây là sự thật vậy! Vì chúng tôi quan sát trong đại chúng tu tập người nào hay hại người này, kẻ kia không sớm thì muộn đều phạm vào giới pháp của Phật Tổ.

Khoa học bây giờ cũng chứng minh tương trợ khi một hành giả khởi niệm tương tác như thế nào!
1.     Một hạt lúa nẩy mầm mười phương chấn động.
2.    Hòn sỏi búng vào biển đại dương bốn biển chấn động.
3.    Con bướm vỗ cánh ở phương Nam làm thành giông tố ở phương Tây.
4.    Trên trời có những hiện tượng xấu thì đất nước đó sắp xảy ra chiến tranh.

Kinh Trì Địa, Phật dạy:
“Nguyên nhân để được 32 tướng tốt không có gì khác hơn là do nghiêm trì giới luật. Nếu trước không trì giới thì nay mong làm thân hạ tiện còn không được, huống gì lại được thân tướng đại nhân”.
Như vậy, chúng ta thấy rõ Đức Phật dạy muốn được thân tướng đại nhân, thì luôn luôn nghiêm trì tịnh giới được trọn vẹn và miên mật, trước là phải tu tập về phương pháp “Tùy hỷ”. Tùy hỷ là phương thuốc thần diệu khi chúng ta còn đang trên bước đường công phu tu tập.

Chẳng hạn như khi chúng ta thấy người đó giảng pháp hay, độ rất nhiều người, chúng ta phải tùy hỷ trợ duyên, chớ đừng cản trở. Vì sao? Vì trong lúc chúng ta tùy hỷ trợ duyên, là chúng ta tăng trưởng hạt giống Bồ đề tâm thêm lên. Còn ta tật đố, ghen ghét, ích kỷ… thì quả báo khó mà lường được. Khi chúng ta cản trở một vị thầy đi giảng pháp cho các Phật tử vì nhu cầu “Thính pháp” văn kinh, thì ác pháp tăng tưởng mà thiện pháp thì tổn giảm. Lại có khi do tâm tật đố, ích kỷ ngủ ngầm ta không quán chiếu được, nên khởi tâm hủy báng pháp môn Đại thừa cho rằng không phải Phật nói, xúi giục người nghe pháp chẳng kính tin. Ấy là tội “Vô gián địa ngục”, hành giả  phải cẩn trọng về điểm này!

Trong Kinh Chư Pháp Vô Hành có ghi:
“Thời quá khứ có một pháp sư hiệu Oai Nghi, chuyên học tập pháp Tiểu thừa, không tin pháp Đại thừa, lại còn sanh tâm hủy báng, cho pháp Đại thừa không phải do Phật thuyết. Do ác nghiệp ấy, sau khi xả thân, đọa vào đại địa ngục, trải qua bao nhiêu số kiếp phải thọ quả khổ. Khi từ trong địa ngục ra chuyển sanh lên nhân gian được làm người nhưng lại bị đui mù. Nếu không đui mù lại sanh vào nhà tà kiến, không có nhân duyên gần gũi Tam Bảo để nghe chánh pháp”.

II. NGƯỜI TU THIỀN CÓ CẦN NGHIÊM TRÌ GIỚI LUẬT HAY KHÔNG?
Như chúng ta đã trình bày đoạn trước, bất luận người tu về pháp môn nào đều lấy giới làm thầy, coi trọng giới pháp như tròng con mắt. Huống nữa lại là người tu thiền định lại càng nghiêm trì giới pháp nhiều hơn. Vì sao? Vì theo kinh nghiệm bản thân tôi hôm nào nếu lỡ phạm một giới nhỏ nào, chẳng hạn như làm trị nhật cho chúng mà không hoàn mãn, tối về ngồi thiền là tâm luôn luôn bị hối hận trạo cử, huống nữa phạm vào trọng giới: sát, đạo, dâm, vọng thì ngồi thiền làm sao yên? Làm bậc hành giả tham thiền nên chín chắn chiêm nghiệm lại điểm này! Nếu không thì đã đến núi châu báu mà lượm về toàn là sỏi đá. Trân trọng! Trân trọng!

Như Kinh Di Giáo, Phật dạy:
“Tỳ kheo các ông! Sau khi Ta nhập diệt, phải tôn trọng quý kính Ba la đề mộc xoa (giới luật) như đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo gặp của báu. Phải biết pháp này là thầy của các ông, dù Ta có trụ ở đời cũng không khác pháp này vậy”.

Đoạn này Đức Phật nói về năng lực của giới pháp, Phật dụ người nào quý kính giới pháp, giữ gìn giới pháp giống như đêm tối gặp được ánh sáng, như người nghèo khổ gặp được của báu. Xét qua lời dạy của Đức Thế Tôn có quá lắm không? Thưa không! Tại sao? Vì theo bản thân chúng tôi kinh nghiệm hôm nào ta giữ giới pháp trọn vẹn thì hôm đó dù tiền vàng, bạc bể đối với ta điều vô nghĩa. Thật vậy! Một người mà suốt đời giữ gìn giới pháp trọn vẹn cho dù cuộc sống hiện tại ta thấy họ thiếu thốn về vật chất, song đối với họ là gặt hái được gia tài vô giá, đối với họ gia tài là giới pháp là cao tột, còn gia tài thế gian chỉ là phù du ảo ảnh có đó rồi mất đó. Như một người suốt đời lo toan về danh vị, huynh đệ tương tàn dù cho được thỏa mãn về sự tham ái danh lợi, song chỉ là danh vị suông, đối với người này tuy sống mà như chết, họ chỉ thấy cái danh lợi hiện tại, mà không thấy rõ được cái giới pháp chân thường. Người này khi bước chân vào chùa họ không gặp được bậc Đại thiện tri thức khai tâm mở nhãn, nếu có họ chỉ để ngoài tai, vì bản chất của họ là đầy ắp những hạt giống thế tục, những hạt giống tham sân… Do đó chư Phật, chư Tổ thường răn nhắc chúng ta: phải coi danh lợi như đôi dép rách.

Như Thiền sư Đạo Giai nói:
“Ngộ thinh ngộ sắc như thượng thạch tài hoa
Kiến lợi, kiến danh như nhãn trung trước tiết.

Nghĩa:
Ngộ tiếng ngộ sắc như trồng hoa trên đá
Thấy lợi, thấy danh như bụi trong con mắt”.

Bởi vì đối với hành giả trong tông môn phải có mắt “Bát nhã” mới được, nếu không thì “Thiền” cũng không, mà giới thì cũng rỗng. Do đó, bậc tiên đức xưa kia rất dè dặt chỉ dạy môn đồ, trước phải xem xét Tạng luật Tỳ Ni cho tường tận, sau mới thính pháp tham thiền là có lý! Ngày nay thì lại khác, đầu hôm vào chùa, sớm mai thì làm chức sự, thử hỏi giới pháp có từ đâu? Làm sao mà thấm nhuần được? Trong khi đó hạt giống tham, sân, si, ích kỷ, tật đố, ganh ghét… lại quá nhiều, mà chưa từng ngồi lại quán chiếu, thì thử hỏi làm sao mà không sa đà vào chốn dục nhiễm của thế tục.

Nên Luận Đại Trí Độ nói:
“Nếu người nào muốn cầu sự lợi ích lớn thì trước hết phải kiên trì giới luật như quý ngọc báu, như giữ thân mạng, vì giới luật là chỗ an trú của tất cả thiện pháp”.

Như vậy người tu thiền có nên nghiêm trì giới luật hay không? Không những nghiêm trì tịnh giới mà còn quý kính giới pháp như tròng con mắt, như thuyền báu đưa người sang sông. Tại sao? Vì người tu nào mà thông suốt tạng Luật, thân hành Tỳ Ni thì bên ngoài toát ra hình thái oai nghi mô phạm, bên trong thì ba độc không phát khởi, thử hỏi ai dám nói răn người tu thiền lại dám buông bỏ giới pháp?

“Xưa có vị Tăng Tề Tăng Viễn trụ chùa Tiết ở Lương Châu giao du với bọn ăn chơi, chẳng giữ luật hạnh. Một đêm mộng thấy thần nhân đến mắng rằng: “Ông là người xuất gia, sao lại làm những việc xấu ác như thế, hãy lấy gương soi mặt xem!”.
Tỉnh dậy, sư đến vũng nước nhìn thấy bên mắt có vệt đen, cho là vết bẩn, lấy tay chùi. Ai ngờ lông mi rụng theo, sư kinh hãi, từ đó tự trách lỗi mình, thành tâm cải hối. Sư thường mặc áo xấu, mang giày rách, ăn ngày một bữa, sớm tối chí thành vừa sám hối vừa khóc sướt mướt.

Hơn một tháng sau, lại mộng thấy vị thần hôm trước vẻ mặt tươi cười bảo sư: “Biết lỗi có thể sửa được, đó là người trí. Nay ta tha cho ông đó!”. Sư vừa sợ vừa mừng, mồ hôi tuôn ra khắp người, trên mặt hai hàng mi mọc lại.

Sư đích thân trải qua hai quả báo, tin biết nhân quả ba đời chẳng hư dối. Từ đó thành tâm phụng trì giới pháp, không hề lui sụt. Sau sư trở thành một vị danh tăng”.

Nên Đại Sư Trí Húc nói:
“Đức Như Lai với tri kiến sâu rộng, Ngài vì chúng sanh khắp trên đại thiên thế giới chế ra giới luật. Còn Lục quần Tỳ kheo đều là bậc đại quyền Bồ Tát thị hiện, tự đặt mình vào hình thái của chúng sanh đời mạt pháp, nên tạo ra các nhân duyên phạm giới. Chính do tánh người lười biếng, không giữ những giới trọng và giới khinh nên làm cho chánh pháp của Phật suy đồi. Nay muốn hoằng truyền tông, diễn thuyết giáo nghĩa đều phải lấy trì giới làm gốc. Vị nào giới luật tinh nghiêm thì chánh nhân bên trong đôn hậu, phụ duyên bên ngoài tự đầy đủ, trong tướng bạch hào một phần sáng rực, quả quyết không phải là lời nói hư cuồng. Nếu ta cho giới là tiểu tiết, tức hủy báng chánh pháp. Người như vậy thì giảng về tông, thuyết về giáo đều là chuyện vu vơ vô ích. Nếu có thu hoạch ảnh hưởng ngoại duyên nào, thì tất cả đều là ma nghiệp có ích lợi gì cho chánh pháp”.

Như vậy, nếu ta thấy rõ tầm quan trọng về giới pháp, không có ngằn mé, chẳng hạn như một người mà nghiêm trì giới pháp cẩn mật họ không dám làm ác, họ không dám nghĩ ác, lâu dần hạt giống thiện pháp này tăng tưởng và lớn mạnh nên chánh nhân bên trong tĩnh lặng, trợ duyên bên ngoài tự đầy đủ, vì y báo tốt thì chánh báo tốt. Một người suốt đời họ luôn luôn nghĩ ác, thân làm điều ác dù họ có trốn tránh được tha nhân, song họ không trốn tránh được chính họ, lâu dần hạt giống ác pháp tăng trưởng và lớn mạnh dần, thì không việc ác nào họ không dám làm. Người này tuy họ sống đủ vật chất coi như an nhàn, song họ đang sống ngay trên hỏa ngục: hỏa ngục của tham, sân, si, tật đố, ích kỷ… Ở trong những tu viện lớn, nếu chúng ta không khôn khéo chuyển hóa nội tâm thì cũng dễ bị sa đà vào chốn bùn lầy hôi hám này.

Do đó, là đệ tử của Phật chúng ta không ít thì nhiều phải thức tỉnh về điểm này. Các vị cứ nghĩ xem! Dù chúng ta là nhà tỷ phú cũng ăn ngày hai bữa, dù chúng ta là nghèo hèn cũng ăn hai bữa. Song trong suốt quá trình làm người ta chiêm nghiệm lại, mình có làm tổn hại ai không? Có giúp ích gì cho Tam Bảo? Người xưa tu hành khác hơn chúng ta nhiều lắm, các Ngài chỉ một bề chuyên tu, trau dồi giới pháp và đức hạnh, nên sau khi từ giã báo thân này, là trọn một đời làm một điều hy hữu trong kiếp sống con người. Do đó, các Ngài ra đi rất an ổn tự tại. Còn chúng ta thì sao? Suốt một đời chuyên tính toán về con đường danh vị, mưu toan tính toán hại người, thì thử hỏi Phật nào đến cứu? Đây chỉ là tăng trưởng tri kiến ma nghiệp, còn Phật đạo thì cách xa muôn dặm.

Nên Thiền sư Lai Quả nói:
“Vua trời Đại Tự Tại ma vương đến nói với Phật: Ngài còn ở trên đời chắc chắn tôi không phá hoại chánh pháp của Ngài được, nhưng đến khi Ngài diệt độ khoảng 500 năm sau, ma vương tôi, sẽ dẫn ma con, ma nữ đến đời mạt pháp dẫn dắt chư Tăng hoàn tục, hoặc đồng sống với chư Tăng xuất gia, ở bên ngoài hiện tướng Tăng, bên trong ôm tâm thế tục cư sĩ nói pháp Tỳ kheo nghe, Tỳ kheo nghe Kinh mặc áo thế tục làm áo người xuất gia. Ngược lại cư sĩ mặc áo người xuất gia làm áo của mình.

Ngài bèn phát nguyện: Lai Quả này quỳ xuống cầu khẩn chư Tăng ở cõi này, xin hãy bảo vệ chặt quy củ của Phật, chớ có để trúng kế của ma đổi màu trắng thành áo hoại sắc, đổi phá pháp làm hộ  pháp. Xin quỳ thỉnh chư Thượng sư Tôn ngay đây hãy lập thệ tự thực hành và giáo hóa cho người cùng thực hành là mặc áo hoại sắc, ăn cơm gạo thô tạm no, lấy Tùng lâm làm nhà, lấy quy giới làm hạnh, giáo hóa cho người học Phật là sự nghiệp, răn mình xa hoa là hạnh hàng ngày.

Lại nguyện: đồng hộ trì chánh pháp của Như Lai cùng tuân thủ quy giới của  Phật, nơi thân chẳng mang một sợi tơ trắng, nơi miệng thường bàn nói giữ gìn giới pháp của Phật, nơi ý không nghĩ đẹp của áo trắng. Thật là ba nghiệp thanh tịnh, chính mới là chân Phật tử”.

Qua đoạn văn của Ngài Lai Quả tha thiết trình bày, về cái nỗi bi kịch kiếp sống của hành giả tham thiền vào thời mạt pháp. Như vậy, chúng ta phải phản quan lại chính mình có nằm trong trường hợp đó không? Thưa có! Vì sao? Vì khi mới phát tâm vào chùa học đạo ai ai cũng lo trau dồi giới pháp, thúc liễm nơi ba nghiệp. Song lâu ngày do bị những hạt giống tạp khí danh lợi còn sót lại ta chỉ còn nhớ đến danh lợi và tiền tài, thì thử hỏi giới pháp còn tôn trọng không? Ba nghiệp còn thúc liễm không? Ngay đây hành giả phải mạnh dạn buông xả thân tâm, một đao cắt đứt những hạt giống tham sân còn sót lại trong tâm thức, một lòng quy hướng về giới pháp, xả thân cầu đạo là việc chính, còn những việc khác là phần phụ, thì ngay nơi thân ngũ uẩn này tức khắc biến thành thân vàng trượng sáu của Thế Tôn, quậy sông dài thành tô lạc cho chúng sanh, biến cõi Ta bà thành cõi Tịnh lạc. Há chẳng sướng lắm sao! Ngay đây những bậc tác gia quên mình vì đạo phải chín chắn chiêm nghiệm lấy!

Do đó trong quyển Trùng Trị Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, Đại sư Trí Húc nói:
Có 3 bậc Đại căn giữ giới:

1. Bậc thứ nhất: nghiêm trì giới luật thanh tịnh làm mô phạm trong ba cõi, như các Ngài: Tuệ Viễn, Trí Quả, Tả Khê, Giác Phạm, Cao Phong, Trung Phong, Sở Thạch…
Ngài Giác Phạm không ăn phi thời.
Ngài Trung Phong mùa đông mùa hạ chỉ mặc một y.
Ngài Cao Phong sống rất kham khổ thanh bạch. Ngài dựng cột củi cây làm chòi ở, mùa đông mùa hạ chỉ mặc một chiếc áo chằm vá 100 miếng, đồ ăn thời giã nhỏ cây tùng hòa với bột mà dùng thay cơm… Dùng ghè bể làm nồi, trọn ngày ăn một bữa ngọ.

2. Bậc hai: sống trong đời mạt pháp, ở vào hoàn cảnh bất đắc dĩ, tuân theo di mệnh của Phật, song lại lược bỏ các giới vi tế, ở chùa thời cày cấy trồng trọt, lãnh chúng thời khai hoang ruộng đất. Nhưng đối với việc không ăn phi thời… các vị ấy vẫn tuân hành đầy đủ. Trong Bách Trượng Thanh Quy gọi bữa ăn chiều là thuốc chữa bệnh mà không gọi là bữa ăn cháo, chỉ cho là uống thuốc phi thời, thuốc bảy ngày, thuốc trọn đời mà thôi.

3. Bậc thứ ba: là địa vận dụng phương tiện, xem xét các cơ duyên lợi ích, phá nghi chấp cho người, nên không câu chấp vào nguyên tắc thường áp dụng. Như Ngài Văn Thù Bồ Tát cầm gươm bức Phật, ba nơi phá hạ.

Trong Chỉ Nguyệt Lục ghi:
“Trên hội Linh Sơn có 500 Tỳ kheo đắc định Tứ thiền, đủ năm thần thông mà chưa đắc Pháp nhãn. Mỗi vị dùng thần thông Túc mạng trí thì đều tự thấy giết cha hại mẹ và phạm những tội nặng. Do đó mỗi người trong tâm tự hoài nghi, thành ra đối với pháp thâm sâu chẳng thể chứng nhập. Lúc ấy, Văn Thù thừa oai thần lực của Phật, tay cầm kiếm bén bức bách Như Lai.

Thế Tôn nói với Văn Thù rằng: “Ngưng! Ngưng! Chớ nên hại Ta mà tạo tội ngũ nghịch. Nhưng nhất quyết hại Ta thì phải khéo hại cái ngã chấp của Ta. Văn Thù Sư Lợi! Ngươi từ xưa nay chẳng có ngã nhân (Ta và ngươi), chỉ vì nội tâm thấy có ngã nhân. Khi nội tâm chẳng khởi, thì ngã nhân ắt phải diệt, tức gọi là hại cái ngã chấp của Ta”.

Do đó, 500 Tỳ kheo tự ngộ bản tâm như mộng như huyễn. Ở trong mộng huyễn chẳng có ngã nhân, cho đến năng sanh sở sanh, cha mẹ, đều như mộng huyễn, chẳng có ngã nhân. Rồi 500 Tỳ kheo cũng nói kệ tán thán rằng:
Văn Thù bậc đại trí
Thấu đạt nguồn đáy pháp
Tự tay cầm kiếm bén
Bức bách thân Như Lai
Kiếm vậy, Phật cũng vậy
Một tướng chẳng có hai
Vô tướng vô sở sanh
Đâu thể nói giết hại
Ngã nhân đã không có
Thì còn ai tạo tội”.

Tích ba nơi phá hạ:
“Ngày giải hạ Tự Tứ (tự kiểm thảo), vì Ngài Văn Thù nhập hạ ở ba chỗ nên Ngài Ca Diếp muốn bạch dùi (đánh chuông) đuổi ra. Vừa cầm dùi thì thấy 100 ngàn muôn ức Văn Thù, Ca Diếp dùng hết thần lực của mình mà vẫn không giơ dùi lên được. Thế Tôn bèn hỏi Ca Diếp: “Ngươi muốn đuổi Văn Thù nào?”. Ca Diếp chẳng thể trả lời”.

Thế nên, người tu thiền lại cần nghiêm trì tịnh giới cẩn mật, ai dám bảo rằng: “Người tu thiền là phi oai nghi tế hạnh”. Nếu cho rằng: người xưa ăn thịt uống rượu được, thì chúng ta cũng làm được miễn tâm không dính mắc thì thôi. Đây chúng ta lắng nghe lời cảnh tỉnh của Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ:

Cửa học đạo riêng không có gì kỳ đặc. Chỉ cần gột sạch căn trần, buông hết chủng tử nghiệp thức từ vô thủy kiếp đến nay. Các ông hãy tiêu trừ tình niệm, dứt bặt vọng duyên. Đối với tất cả cảnh giới ái dục của thế gian, tâm như cây đá. Cho dù đạo nhãn chưa sáng tỏ, tự nhiên thành tựu thân thanh tịnh. Nếu gặp bậc đạo sư chân chánh thì quyết phải hết lòng thân cận. Giả sử tham thiền chưa thấu triệt, việc học chưa thành, một khi đã qua căn tai rồi hằng làm giống đạo. Đời đời chẳng rơi vào nẻo ác, kiếp kiếp chẳng mất thân người. Vừa mới ra đời, một nghe ngàn ngộ. Phải tin rằng Thiện tri thức chân chánh trong đạo là nhân duyên lớn trong loài người, hay giáo hóa chúng sanh được thấy tánh Phật. Than ôi, đời mạt thế nói ngông một thiền là chỉ học lõm chớ hoàn toàn không thật hiểu; từng bước từng bước cho là có, từng lời từng lời bảo là không. Chẳng trách chính mình bị nghiệp lực dẫn lại dạy người bài bác nhân quả. Đã vậy còn nói uống rượu, ăn thịt chẳng ngại Bồ đề; trộm cắp, hành dâm không ngại Bát nhã. Lúc sống thì bị phép vua, chết lại rơi vào ngục A tỳ, chịu cái nghiệp nơi địa ngục. Khi hết ở địa ngục lại rơi vào loài ngạ quỷ, súc sanh trăm kiếp, muôn kiếp không có kỳ hẹn thoát ra.

Trừ phi một niệm hồi quang lập tức chuyển tà thành chánh. Nếu chẳng tự mình sám hối, tự tu tự độ thì dẫu cho chư Phật ra đời cũng không cứu được ông đâu.

Nếu cắt tim gan như cắt gỗ đá, thì mới có thể ăn thịt. Nếu uống rượu cũng chẳng khác nào ăn phân uống nước tiểu, thì mới có thể uống rượu. Nếu nhìn thấy các trai gái đoan chính cũng coi tựa xác chết, thì mới có thể làm chuyện hành dâm; nếu xem tài bảo của mình của người như phân như đất thì có thể trộm cắp. Dù rằng, ông luyện tâm được đến chỗ điền địa này (đất tâm chỗ chơn thật), cũng chưa thể thuận theo ý ông được! Nếu chưa kịp chứng vô lượng thân Thánh xưa đã thiết tha tỏ bày há lại còn có tâm nào khác? Bởi vì Tăng Ni đời mạt pháp, hiếm giữ giới cấm; chỉ hiềm họ hướng thiện vào kẻ thế tục, mà phần nhiều lui sụt tâm đạo, do đó rộng thực hành và bao bọc chở che.

Ngàn Kinh đã nói, muôn Luận đã bày. Nếu chẳng dứt bỏ tâm dâm tức là đoạn hết giống trí huệ; nếu chẳng bỏ trộm cắp tức là đoạn hết giống phước đức; nếu chẳng bỏ ăn thịt tức là đoạn hết giống từ bi. Chư Phật trong ba đời đồng miệng tuyên nói: Thiền tông trong thiên hạ, một lời đã diễn bày. Làm sao hàng hậu học bỏ qua chẳng nghe theo? Tự mình hủy mất nhân chánh đáng, trái lại hành theo lời ma nói! Chỉ vì giống nghiệp đã có từ bao đời, mới sanh ra là gặp bọn thầy tà, nên lực lành dễ tiêu , mà các căn ác lại khó nhổ, đâu còn thấy đạo của bậc Thánh xưa nữa? Thấy một việc mà như hàng vạn mũi tên ghim vào tim; nghe một lời ma như ngàn mũi dùi chọt vào tai; hãy mau mau rời xa đây! Chớ có thấy nghe nữa! Các ông phải tự cứu lấy tâm mình, cẩn thận chớ có dễ duôi.

III.    NĂNG LỰC CỦA SỰ NGHIÊM TRÌ TỊNH GIỚI:
Người tu hành nếu y theo lời Phật dạy, khép mình vào khuôn khổ của oai nghi tế hạnh, trang nghiêm nơi tự thân bằng giới pháp của chư Phật, thì người này có một năng lực thật vĩ đại.
1.    Ở trước hội chúng không sợ hãi.
2.    Nếu chưa giải thoát, chết chắc chắn được sanh thiên.
3.    Là bậc mô phạm cho trời người
4.    Quỷ thần cung kính.
5.    Tâm thần được bình ổn lúc sống cũng như lúc chết…

Kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung nói:
“Đức của giới hạnh khiến cho phước tự nhiên đến, thiên thần ủng hộ, cảm động đến 10 phương. So với đức của chư thiên thì công đức của giới hạnh cao vòi vọi, các Thánh ngợi khen, khó thể cân lường. Người trí đạt mệnh dù tan thân mất mạng cũng chẳng theo tà, khéo nhận biết lời Phật dạy thì có thể đắc đạo vượt khỏi thế gian”.

Người có giới pháp phước tự nhiên thù thắng. Vì sao? Vì gieo thắng nhân thì gặt Thánh quả, đây là lẽ tự nhiên. Song  người đời ít ai chịu tin nhận. Lúc còn trẻ khỏe tha hồ tạo ác nghiệp, khi nghiệp quả đến khó bề trốn chạy, lại than trời trách đất, song nghiệp nhân đã gieo thì nghiệp quả sẽ gặt. Người xưa nói: “Hình cong làm sao bóng thẳng được”?

Do đó, đã là người phát trí xuất trần thì hãy tin nhận lời của Phật Tổ, một niệm phóng ra thì tác thành nhân quả nghiệp báo, một niệm hồi quang thì Niết Bàn có mặt. Người giữ trọn giới pháp thì thiên thần ủng hộ, cảm động đến 10 phương, lời này có quá lắm không? Thưa không! Vì sao? Vì người giữ giới thì tâm bình trí sáng, tâm thông trí suốt. Sở dĩ chúng ta đọa vào loại ngạ quỷ, súc sanh vì ta chiêu cảm tạp nghiệp: tham ăn vô độ, tật đố, ích kỷ, ghen ghét, san tham… do đó Phật dạy người tu phải giữ gìn tịnh giới là có lý, vì thân tâm nghiêm trì tịnh giới thì lâu  ngày ta không còn cảm thấy lòng tham dục dấy khởi. Người xưa sở dĩ các Ngài giữ gìn tịnh giới trọn vẹn là do các Ngài phát đại nguyện lớn, dù cho tán thân mất mạng cũng phải tuân thủ. Do đó đạo nghiệp dễ thành, chơn thường dễ đến, còn chúng ta thì sao? Có dám can đảm thực hành như người xưa không?

Tổ Quy Sơn dạy:
“Kia cũng trượng phu, ta cũng trượng phu”.
Hãy chín chắn chiêm nghiệm lời của Tổ dạy.

Nên Thiền sư Hư Vân khai thị:
“Dụng công tu hành trước nhất phải trì giới. Giới là cội gốc của quả Vô thượng Bồ đề, nhân giới sanh định, nhân định phát huệ, nếu không trì giới mà tu hành thì không thể được”.

Trong Kinh Lăng nghiêm dạy rõ bốn món thanh tịnh, dạy chúng ta rằng:
“Không trì giới mà tu chánh định không thể thoát khỏi trần lao, dù hiện tiền có nhiều trí huệ, nhiều thiền định cũng rơi vào tà ma ngoại đạo”.
Nên biết trì giới là trọng yếu, người trì giới Long Thiên ủng hộ, ma ngoại kính sợ, người phá giới, bọn quỷ gọi là giặc lớn, nó quét dấu chân của người ấy.

Như chúng ta đã biết Thiền sư Hư Vân là bậc Tông sư cận đại, là bậc tôn túc trong tông thừa, mà người luôn khuyến khích Tăng Ni, Phật tử luôn luôn nghiêm trì tịnh giới của chư Phật. Vì sao? Vì Ngài thấy rất rõ nếu một người tu pháp chánh định mà không nhớ hàng rào giới luật, thì chánh định không thể phát sanh. Như vậy giới luật có một  năng lực vĩ đại đưa con người từ phàm đến Thánh, từ mê đến giác, từ khổ đến vui…

Nên Quốc Sư Thanh Lương dạy:
“Người nào nương Luật tu trì thì gọi là Tăng thượng giới tự thành tự lập, chắc chắn quả vị Phật ắt chứng đắc vậy”.
Như vậy, bằng vào sự túc duyên trong đời quá khứ, ngày hôm nay chúng ta mới có phúc duyên lãnh thọ giới pháp của Phật Tổ. Thì tại sao chúng ta lại không nghiêm trì tịnh giới? Ta hãy đặt lại câu hỏi! Lỡ mai này tạo nghiệp xấu chiêu cảm vào loại ngạ quỷ, súc sanh… thì có kham nhận giới pháp được không? Ngay đây hành giả phải một phen phấn chấn, đã đạp trên mảnh đất thật rồi, thì một phen đi là phải tới đích.

Có người cho rằng đời này tu làm sao phải ngộ đạo như các bậc Tổ sư xưa, theo thiển ý của tôi đâu cần phải đợi đến lúc ngộ đạo oai nghi phép tắc mới hiện lộ trời người cung kính, mà ngay đây hành giả chánh niệm thu thúc lục căn thì cũng đáng cho trời người cung kính.

Như Thiền sư Thọ Sương nói:
“Nếu thật đời này có người đúng như pháp luật mà hành trì, nên kính họ như Phật, hầu hạ đúng như pháp thờ thầy”.

Vì thế, đối với giới pháp của Phật nếu ai chịu khó hành trì, thì ắt sẽ được quả tối thượng. Song đời này ít ai chịu khó tin nhận giới pháp, cho là hạng tiểu tiết rồi sa đà trong chốn ngũ dục, nhưng họ không nhận xét kỹ nhờ giữ giới pháp nghiêm tịnh mà từ thân, khẩu, ý được đoan chính. Vì sao? Vì giới pháp của Phật giống như lương dược hay chữa lành các thứ bệnh; tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… Vậy chúng ta tại sao lại không gìn giữ. Giống như một người vào biển sâu tìm châu báu, mà không nhờ thuyền lớn, dụng cụ thì có lấy được châu báu không? Ngay đây hành giả phải chín chắn chiêm nghiệm lấy!

Nên Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy:
“Giới luật là vị thuốc hay trị được bệnh phiền não, như đấng cha mẹ giúp con qua cơn đau khổ, là chiếc cầu bắc ngang sông sanh tử, là đèn soi đêm tối si mê”.

IV.    THIỀN VÀ GIỚI.
Kinh là lời của Phật.
Thiền là tâm của Phật.
Giới là hạnh của Phật.

Thiền Sư Duy Khoan nói:
“Vô thượng Bồ đề trùm ở thân là luật, nói ở miệng là pháp, hành ở tâm là thiền. Ứng dụng có ba, rốt lại chỉ là một. Ví như sông Hồ, sông Hoài, sông Hán, tùy chỗ đặt tên có khác, nhưng tánh nước vốn không hai”.

Là hành giả trong tông thừa, nếu là người sáng mắt, thì ai dám bỏ qua về điểm này! Vì sao? Vì trong bốn oai nghi nếu ta luôn luôn tỉnh giác thì hạnh của Phật trùm khắp thân ta, ngay đây tâm ta không một niệm vọng động thì giới pháp của Phật trùm khắp thân ta, ngay đây ta rõ biết tất cả nào là: chim kêu, dế gáy, gió thổi, mây bay… mà không một niệm truy tìm về quá khứ, hiện tại, vị lai thì thiền tâm của Phật Tổ trùm khắp thân ta. Như vậy ái dám bảo rằng: “Thiền và giới không đồng nhất”.

Người xưa chỉ dạy cho người học, đều nhằm trên căn bản mô phạm mà tiến bước, nếu người học chịu khó mài giũa tập nghiệp trong bốn oai nghi thì nơi nơi là chỗ dụng công đắc lực cho hành giả. Khi ăn cơm, rửa chén, giặt đồ… đều là chánh hạnh thành Phật cả.

“Có vị Tăng đến hỏi Thiền sư Tiểu Nham:
– Kinh nói: “Chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên”, xin hỏi Hòa thượng thế nào là đại sự nhân duyên?
Sư đáp: – Mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện.

Vị Tăng không chấp nhận, chẳng thèm lễ bái, liền đi ra. Sư gọi lại nói bài kệ:Chư Phật xuất ư thế
Duy vị đại nhân duyên
A thỉ tinh phóng niệu
Cơ xan khốn đả miên
Mục tiền khẩn cấp sự
Nhân chỉ dục hướng thiện
Đàm huyền cộng thuyết diệu
Tạo tội phục thâu tiền.Nghĩa: Chư Phật hiện ra đời
Chỉ vì nhân duyên lớn
Đại tiện cùng tiểu tiện
Đói ăn mệt ngủ khò
Trước mắt việc gấp rút
Người chỉ muốn lên trời
Bàn huyền cùng nói diệu
Mắc tội lại thua tiền”.

Như chúng ta ai ai cũng đều rõ trong Kinh Pháp Hoa nói: “Vì một đại sự nhân duyên lớn Đức Phật thị hiện ra đời, hòng là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Ở đây ông Tăng này đem ra thưa hỏi Thiền sư. Song ông vô cùng thất vọng. Vì Thiền sư trả lời những câu, những cú là việc rất tầm thường trong cuộc sống nào là: ăn cơm, mặc áo, đại tiện, tiểu tiện… Song ông đâu có ngờ rằng đó là bí yếu để vào đạo, là cửa ngõ của Niết Bàn, là con mắt của hằng hà sa số chư Phật, là con đường của giới, định, tuệ.

Ông Tăng này chính là người đại diện cho chúng ta vậy! Chúng ta khi mới cất bước vào đạo, ít khi nào chiêm nghiệm lại giới pháp của Phật Tổ, chỉ lo một bề hướng tâm cầu huyền diệu nghĩa, mà thật ra trong tâm rỗng mà cao ngạo, danh lợi thì dẫy đầy, oai nghi mô phạm thì một chút cũng không! Cống cao ngạo mạn, giới pháp thì chẳng vuông tròn. Đây là từ lúc mới vào đạo nhắm hướng không đúng mục tiêu lý tưởng, mà suốt ngày chỉ lo hai chữ “Ăn và uống”. Lâu ngày dài tháng nghiệp tham thì nhiều, mà nghiệp thiện thì lại quá ít, nên từ cung cách cho đến lời nói đều là phàm tục. Chúng ta sống như vậy đó! Thì thử hỏi đến khi lâm chung lấy gì mà chống đỡ? Do đó Tổ Quy Sơn nói:

“Đường trước mờ mờ mịt mịt, không biết đi về đâu!” Đi về trong chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… chớ đi về đâu! “Gieo nhân vô thường mà đòi gặt quả thường trụ”. Lý này làm sao mà có được. Người xưa nói:
Thiên đường hữu lộ vô nhân đáo
Địa ngục vô môn hữu khách tầm.

Đây là nói về nẻo lành Phật Tổ đã vạch sẵn không chịu đi, nhưng chỉ hướng về nẻo ác mà xuống, lỗi này do ai tạo tác? Đều do tâm tham danh lợi của mình tạo nên, đến khi ác nghiệp quá nhiều thì chiêu lấy quả khổ chớ trách ai!

Than ôi! Người đời biết một mà không biết mười, chỉ biết sướng hiện tại, mà không thông suốt tương lai nên mới nông nỗi này. Khổ thay! Khổ thay!

Nên Thiền Sư Lai Quả dạy:
“Một chữ giới chẳng những Tăng Ni phải hành mỗi ngày, không được tạm lìa một khắc mà ngay cả mọi người ở thế gian cũng chẳng thể tạm lìa. Sao vậy? Người tại gia có giới cờ bạc, hút thuốc, tà dâm, lừa dối.v.v… Một chữ giới này, đối với người tại gia thông dụng chẳng thiếu, thiếu một điều không giữ giới, liền thành tệ hại.

Bậc xuất gia chúng ta đã thọ Tam đàn đại giới đàng hoàng, 10 điều của Sa di, 250 điều của Tỳ kheo, 10 giới trong 48 giới khinh của Bồ tát. Nếu giữ giới kỹ lưỡng một chữ cũng không sót, không chút vi phạm thì cũng chưa lớn, phải từ giới vào định, do định phát huệ, phá ngu si, mở trí huệ, dựng pháp tràng, lập tông chỉ, mới là công lớn của giới”.

V. CÔNG ĐỨC GIỮ GÌN TỊNH GIỚI:
Như chúng ta đã biết, đối với tinh thần nhà Phật thì bố thí, cúng dường gọi là “Phước đức”. Còn huân tu từ tự tánh Pháp thân gọi là “Công đức”.

Như câu chuyện giữa Sơ Tổ Đạt Ma và vua Lương Võ Đế chẳng hạn:
“Vua hỏi Tổ:
– Trẫm từ khi lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép Kinh độ Tăng Ni không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì không?

Tổ đáp:
– Đều không có công đức”.
– Tại sao không có công đức?
– Bởi vì những việc ấy là nhân hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.
– Thế nào là công đức chơn thật?
– Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu”.

Đoạn này chúng ta thấy Tổ nói rất rõ, đây chỉ là phước đức hữu lậu chứ chẳng phải công đức. Ngày nay có những người lầm lẫn cho việc cúng dường in Kinh bố thí là công đức, rồi mặc tình tạo tội tham, sân, si… Song đối với tinh thần nhà Phật, dù cho chúng ta có xây mười ngàn ngôi chùa nhưng tâm ta có đầy đủ tham, sân, si, tật đố, ghen ghét… công cũng có, tội vẫn mang. Chẳng hạn ở phương Tây có những con chó nghiệm  kỹ sướng hơn con người ở nơi nghèo khổ, song tuy sướng mà vóc dáng lại mang kiếp thú, thì thử hỏi tại làm sao? Vì lúc làm kiếp người tuy là bố thí cúng dường, song tội vẫn tạo. Ngày nay có những người buôn bán xì ke ma túy…Song họ sợ tội nên bố thí cúng dường… Như vậy rõ ràng mặt người mà lòng thú, họ làm gia hại không biết bao nhiêu gia đình đang sống êm ả hạnh phúc lại trở thành khổ đau, thì chắc chắn kiếp sau sẽ thành thú là cái chắc!

Lại có người tuy mang hình tướng tu sĩ mà giới pháp không tròn, thì chắc chắn sẽ bị đọa lạc trầm luân trong biển khổ.
Nên Lục Tổ có nói bài kệ:“Người mê tu phước chẳng tu đạo
Chỉ nói tu phước liền là đạo
Bố thí cúng dường phước vô biên
Trong tâm ta ai xưa nay tạo
Nghĩ muốn tu phước để diệt tội
Đời sau được phước, tội vẫn còn”.

Như trong Cao Tăng Dị Truyện có ghi: “Một hôm Đại sư Thập Đắc lùa trâu ra, hô tên Tăng đời trước, trâu liền ứng tiếng mà đi qua.
Thập Đắc lại nói: – Đời trước chẳng trì giới, mặt người mà lòng thú. Ngươi nay tạo lỗi này, lại oán hận người sao? Sức Phật tuy rất lớn mà ngươi phụ ơn Phật”.

Như vậy, giữ gìn giới pháp của Phật Tổ là tự thân công đức, còn bố thí… chỉ  là phước đức. Song chúng ta cần phải lưu ý về điểm này, có những người tuy không sát sanh, trộm cắp, tà dâm… song vướng vào tội “vọng ngữ”  thì các tội sát sanh, trộm cắp… liền đi theo. Vì sao? Vì tuy không giết người mà nói những lời độc ác, hoặc chuyện không nói có, chuyện có nói không… làm cho bạn đồng tu của mình xúc não, có khi hoàn tục, thối tâm trên con đường tìm cầu chân lý, tội này đồng tội với tội sát sanh không khác! Là người tu Phật phải chín chắn chiêm nghiệm về điểm này. Do đó, tinh thần giữ gìn giới pháp của Phật làm tăng tưởng công đức là có lý vậy!

Kinh Di Giáo, Phật dạy:
“Thế nên, Tỳ kheo phải giữ gìn tịnh giới, chớ khiến hư kém. Nếu người nào hay giữ gìn tịnh giới thì người ấy có được thiện pháp, nếu không giữ gìn tịnh giới, thì các công đức lành đều không sanh được. Do đây phải biết giới là chỗ ở công đức an ổn nhất”.

Như vậy chư Phật và các đại Bồ Tát đều khuyến tấn chúng ta luôn luôn nghiêm trì tịnh giới để tăng trưởng thiện pháp. Vì một người mà có tâm hổ thẹn về ác pháp, thì người ấy thân tướng đoan nghiêm, lời nói ra có thể giáo người. Đây đều là nhờ công đức giữ gìn tịnh giới mà có được.

Do đó người xưa dù ở trong hoàn cảnh nào, các Ngài cũng đều lấy giới pháp làm trọng, dẫu cho tán thân mất mạng các Ngài vẫn tuân thủ giới pháp.

Như câu chuyện trong Đại Luật ghi:
“Xưa nước An Đà, có một ông Thiếu Dục Tỳ kheo sai thầy Sa di tuổi trẻ đến nhà tịnh tín lãnh đồ ăn. Bấy giờ cả nhà tịnh tín kia đi phố hội, chỉ để một cô gái tuổi vừa 16, dung mạo đoan chính, nhưng bị lửa dâm nung đốt, quỳ bạch thầy Sa di rằng “Nhà em châu báu vô lượng, được huynh bằng lòng làm chủ nhà này, em sẽ cung cấp và hầu hạ”. Thầy Sa di nghĩ rằng: “Ta thà bỏ mạng, chớ chẳng phá giới cấm”. Liền vào trong phòng đóng cửa, quỳ gối chắp tay phát nguyện và cắn ngón tay, dùng máu viết trên vách bài kệ như vầy: “Đệ tử không bỏ chánh giới Tam Bảo, nguyện sanh về nhà vắng lặng, hết nghiệp mê, lần thành đạo quả”, nguyện rồi thắt cổ mà chết. Vị vua trong nước hay được, khen chưa từng có, liền ngự đến làm lễ, đem xác thầy Sa di để lên xe báu. Vua dùng đủ  món cúng dường, rối chất những củi thơm, mà thiêu long trọng”.

Nên kinh Bảo Tích, Phật dạy:
“Dù xây dựng ngôi chùa tháp toàn bảy báu, to cao lên đến cõi trời Tam Thập Tam Thiên, không bằng một ngày tĩnh tọa trì giới trong sạch cao quý, là đệ nhất cúng dường Đức Như Lai”.
Qua đoạn văn kinh này cho chúng ta một cái nhìn về giới pháp. Phật đưa ra thí dụ về phần cúng  dường, dẫu cho to lớn đầy khắp cõi Tam thiên đại thiên thế giới cũng không so sánh bằng một người chỉ tĩnh tọa nghiêm trì tịnh giới. Đây là lẽ đương nhiên vậy! Vì sao? Vì một người hướng nội trở về với cội nguồn Pháp thân.

Do đó trong luận Đại Trí Độ có nói:
“Người tuy nghèo hèn mà trì giới, hơn người giàu sang mà phá giới. Hương của hoa, hương của cây không thể bay xa, hương của trì giới bay khắp cả 10 phương. Người trì giới, được đầy đủ sự an vui, tiếng tăm nghe xa, trời người yêu kính, hiện đời thường được các thứ khoái lạc. Nếu muốn sanh vào cõi trời, cõi người thủ lấy sự giàu sang, sống lâu không khó. Người trì giới thanh tịnh, ước gì đều được nấy.

Lại nữa, người trì giới thường được người nay cúng kính cúng dường, tâm vui không hối hận, áo cơm không thiếu, chết được sanh lên trời, sau chứng Phật đạo. Người trì giới không việc gì không có được, người phá giới tất cả đều mất.

Lại nữa, người trì giới quán thấy tội của người phá giới, nên tự gắng sức, nhất tâm trì giới.
Thế nào là tội của người phá giới? Người phá giới, người khác không kính, nhà nó như mồ hoang, không người nào đến.

Lại nữa, người phá giới thường ôm lòng sợ hãi, như người mắc trọng bệnh, thường sợ chết đến. Cũng như người phạm tội ngũ nghịch, tâm thường tự nghĩ: ta là giặc của Phật, che giấu tránh nép, như giặc sợ người, năm tháng ngày giờ trôi qua thường không an ổn.

Lại nữa, người phá giới, ở giữa chúng tinh tấn giống như người trẻ yếu ớt ở giữa người mạnh.

Lại nữa, người phá giới giống như thuyền vỡ, không thể chở qua sông.

Vô lượng tội phá giới như vậy, không thể nào kể hết. Hành giả hãy nên nhất tâm hành trì”.(Trích đoạn Đại Trí Độ luận quyển 1 Bồ Tát Long Thọ khai thị).

(Nguồn: Thiền Viện Sùng Phúc)