Bài viết hay

LẮNG NGHE BẰNG CẢ TRÁI TIM

LẮNG NGHE BẰNG CẢ TRÁI TIMA: “Chào anh. Lâu rồi không gặp, dạo này mọi thứ vẫn tốt chứ?”

X: “ Cũng tạm thôi anh , tôi gặp một số rắc rối ở chỗ làm, sếp tôi…”

A: “Ồ vậy à. Mà thôi, việc làm đó mà. À, sắp tới có buổi họp mặt bạn bè, anh nhớ tham gia nhé!”

X: …

Có bao giờ quý vị đã rơi vào trường hợp của anh X khi cần một người bạn để chia sẻ những nỗi muộn phiền trong cuộc sống mà người đối diện không thật sự chú tâm lắng nghe? Hoặc quý vị đã từng như anh A? Những mẫu đối thoại dồn dập, vụn vặn và hời hợt tuy đem lại niềm vui trong chốc lát nhưng lại không đủ sâu lắng để cả hai phía có thể lắng nghe và thấu hiểu câu chuyện của nhau.

Đây chính là căn bệnh mà khá nhiều người trong chúng ta mắc phải, bao gồm cả người viết bài này. Người ta ăn nhanh, nói nhanh, và nghe lại càng nhanh hơn nữa. Để rồi những mẩu chuyện chỉ có thể loáng thoáng như giọt sương mỏng mảnh trong tâm trí người nghe vì phần lớn đã rơi rớt đâu đó ngoài tai mất rồi! Và ta tự trách mình sao đãng trí, mới nghe đó mà đã quên đầu quên đuôi. Trí nhớ nó đâu có tội! Nguyên do chủ yếu vì ta chỉ mới “nghe” mà quên mất “lắng” nên không cảm nhận sâu sắc được thông điệp mà người đối diện muốn chuyển đến. Vậy thì nên rèn luyện kỹ năng nghe-hiểu như thế nào?

Trong Phật giáo, có một vị Thầy được rất nhiều người biết đến và kính trọng. Vị Thầy đó không hề xa lạ, chính là Bồ tát Quán Thế Âm – Người luôn lắng nghe vô số những âm thanh đau khổ vang vọng từ khắp các cõi. Quý vị có thể đến thăm một ngôi chùa bất kỳ vào ngày cuối tuần và đếm thử xem có bao nhiêu người đến gửi gắm tâm sự trước tượng Quán Thế Âm? Nhân số người đó với xếp xỉ hai chục ngàn ngôi chùa lớn nhỏ ở Việt Nam, rồi lại nhân lên vài chục nước trên thế giới. Sẽ thu được tổng số lời nguyện cầu không hề nhỏ. Vậy mà Bồ tát Quán Thế Âm lại có thể thông suốt được tất cả những lời khấn nguyện đó, chắc hẳn không chỉ nghe bằng đôi tai bình thường như của chúng ta.

Bồ tát Quán Thế Âm dùng phương pháp “phản văn, văn tự tánh” để không đuổi theo âm thanh mà trở ngược lại tánh nghe-là trái tim của Bồ tát, để đạt trạng thái tự tại. Khi niệm đến câu “Nam mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát” là ta nguyện đi theo con đường cứu khổ, ban vui và thực hành những hạnh nguyện của Ngài – mà trước hết là hạnh lắng nghe. Nghe từ đôi tai thôi thì chưa đủ. Những cảm xúc và tư tưởng dấy động trong tâm dễ dàng lôi kéo người nghe ra khỏi trạng thái tập trung cần thiết để hiểu suốt vấn đề.

Chỉ có lắng nghe từ một trái tim biết đồng cảm, không phán xét mới giúp ta hiểu thấu được những khổ đau của người đối diện và tìm cách giúp đỡ họ. Đôi khi, chỉ cần chú tâm nghe thôi cũng đã giúp được người vơi bớt nỗi khổ nhiều lắm.

Ngoài việc giúp người, áp dụng hạnh lắng nghe cũng đem đến những lợi lạc to lớn cho người thực hành. Trước hết, hạt giống từ bi bác ái trong mỗi con người được đơm hoa kết trái. Đồng thời, tâm được rèn luyện để vững chãi trước những đổi thay mà giông bão của cuộc đời mang lại. Ngoài ra, biết lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng để thành công trong cuộc sống. Trong cuốn sách để đời “Đắc Nhân tâm” của mình, ông Dale Carnegie đã dành một chương dài để nhắc đến sự quan trọng của việc lắng nghe và thấu hiểu. Thì ra vị tác giả này và các nhân vật mà ông đã ví dụ, dù có thể không theo đạo Phật, nhưng đều đã áp dụng thành công hạnh lắng nghe như Bồ tát Quán Thế Âm.

Quay lại với mẩu đối thoại ở phần đầu, nếu anh A thực tập hạnh lắng nghe thì sẽ dễ đồng cảm và hiểu sâu nội dung câu chuyện của anh X. Cuộc trò chuyện sẽ sâu lắng hơn và anh A có thể giúp tháo gỡ những vướng mắc trong công việc mà anh X đang đối mặt. Được vậy thì biết đâu anh A chính là một hoá thân của Bồ tát đi giúp đời

Nhân ngày vía Đức Quán Thế Âm, mong thay câu niệm “Nam mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát” luôn vang vọng khắp chốn và hạnh lắng nghe của Bồ tát luôn được thực hành, để giúp người bớt khổ, để cho đời thêm vui.

Vô Ngại

(Bài viết của Phật tử)