Bài viết hay

LỜI CẢM TÁC KHI ĐỌC CHỨNG ĐẠO CA

LỜI CẢM TÁC KHI ĐỌC CHỨNG ĐẠO CAChứng Đạo Ca, khi đọc lại, làm dậy lên trong ta một nguồn cảm hứng vô biên, một ý chí mãnh liệt, một sức sống dâng tràn, một lòng tin vững chãi, với niềm lạc quan yêu đời làm phấn kích tinh thần của thiền giả, đang trên đà phấn đấu vươn lên trên con đường trở về bổn xứ.

Chứng đạo ca là một tác phẩm hay đẹp, trân quý và siêu tuyệt, được kết cấu bằng thể văn vần do thiền sư Huyền Giác sáng tác. Đây là loại sách gối đầu giường của hầu hết các thiền sinh ở các tòng lâm, Thiền viện xưa nay. Thi phẩm bất hủ nầy chẳng những là trân bảo trong nhà thiền mà còn là một cống hiến giá trị đối với nền văn hóa, văn minh, văn học, nghệ thuật tuyệt đỉnh, xuất thần của nhân loại.

Tác phẩm hay ở văn chương, đẹp ở từ ngữ, lã lướt ở vần thơ và hùng hồn qua nhạc điệu. Khi sâu lắng trầm hùng như biển lặng vô biên. Lúc kiêu dũng quật cường như trùng dương dậy sóng. Khi réo rắc du dương như ngàn thông cợt gió. Lúc hoang vắng mơ màn như sa mạc mênh mông. Và cao vút hiên ngang như Hymalaya sừng sửng vách dựng lưng trời, chót vót trơ lì trong mưa sa bảo tuyết, rực rỡ huy hoàng trong nắng tạnh trời hoang.

Tác phẩm được trân quý vì nó là dòng sữa pháp tuôn trào được lưu xuất từ suối nguồn tâm chứng. Siêu xuất tuyệt vời vì lý đạo nhiệm mầu huyền diệu cao thâm. Đạo lý siêu huyền của bài ca chứng đạo đã cung cấp cho ta một chất liệu dinh dưỡng tinh khiết hồn nhiên, siêu phàm thoát tục. Cảm hứng từ nguồn sống đạo ấy khiến cho ta có thể xem thường mọi cám dỗ, mọi quyến rũ đam mê của dục vọng trần gian; giúp cho ta củng cố lại niềm tin trong sáng, vững chắc không gì có thể lay chuyển nổi.

Từ niềm tin vững chãi đó đã tạo nên một ý chí bất khuất, một sức mạnh kiên cường, chuẩn bị tư thế, chấn chỉnh tinh thần, ngay chân cất bước vượt qua mọi khó khăn trở ngại; đạp thẳng đứng lên giữa mọi gian nan thử thách; vững vàng tiến bước trước mọi nghịch cảnh chướng duyên, mạnh dạng buông bỏ mọi cố chấp bám víu buộc ràng; dứt khoát chặt đứt những dây mơ rể má chằng chịt trói cột con người trong rừng rậm vô minh điên đảo vọng tưởng; phá tan thành trì của si mê hắc ám; chiếu phá tận căn để của tối tăm sa đọa, của tham lam dục vọng, của sân hận thù hằng, của dãi đãi biếng lười; của hôn trầm dã dượi; của trạo cử bất an để đạt đến mục đích tối hậu và sự thành công mỹ mãn.

Chứng đạo ca đã thể hiện một sức sống mãnh liệt, một nội lực thâm hậu, một dáng đứng hiên ngang, kiêu hùng bất khuất của một con người siêu quần bạt tụy, đầy dũng khí xung thiên qua nguồn thơ lai láng, suối đạo dâng tràn, biển pháp mênh mông, sống thiền rào rạt, thâm u núi định, tịch mịch rừng thiền.

Bài ca với những vần thơ kỳ diệu đã được cất lên dưới ánh trăng mông lung huyền ảo giữa trời thiêng Đông Độ, cách nay hơn mười hai thế kỷ đã trôi qua, nhưng âm hưởng vẫn còn rền vang trong pháp giới, chấn động cõi tam thiên. Lời ca đanh thép oai hùng như tiếng rống của một mãnh sư chúa tể rừng xanh, làm vang dội đất trời. Âm ba vang động ấy, khi nghe qua ngoại đạo phải kinh hồn, ma vương lùi khiếp vía, hương tượng chạy dài, trăm thú phải nát óc. Chỉ có loài rồng thiêng mới đủ can đảm lóng lặng đón nghe với lòng hoan hỷ. Cõi đất như rúng nức, thời gian như đứng dừng, không gian chừng nín lặng, Phật tổ mĩm cười, hả dạ chung vui.

Dũng khí hiên ngang, âm ba siêu tuyệt của lời ca chứng đạo ấy đã được lưu xuất từ cội nguồn tâm chứng. Trôi chảy xuôi dòng theo mạch suối Tào Khê, dâng tràn sức sống, hòa nhập vào đại trùng dương bao la vô tận, biển pháp vô lượng vô biên. Tâm thể rỗng suốt trong lặng trong cái thực tại vĩnh hằng vô thỉ vô chung. Dù ngàn muôn năm trước, vô lượng kiếp về sau, ngay đây và bây giờ, hằng hà sa cỏi nước của mười phương chư Phật cùng pháp giới chúng sanh thảy thảy đều hiện bày đầy đủ, rốt ráo và trọn vẹn trong cái thực tại nhứt như nầy.

Chứng Đạo Ca đã mở ra cho chúng ta một chân trời thiền kỳ bí, đi thẳng vào thực tại của vũ trụ nhân sinh. Đó là chân trời mầu mhiệm không có lối vào, không có con đường để hướng tới. Người muốn bước vào chân trời tự do, tự tại, vô học, vô vi, vô tu, vô chứng ấy phải một phen lột xát, quăng ném hết tất cả mọi bám víu đa mang, mọi kiến giải tình chấp, cởi sạch hết những lớp ngụy trang hư ảo bên ngoài. Dứt bỏ mọi suy niệm và giải trừ mọi kiến thức, để trở thành một con người trụi lủi, trần truồng như nhộng. Được như thế, Thiền giả mới có thể chứng nhập vào cảnh giới nhất như tuyệt đối, bình đẳng vô sai biệt, vô phân biệt và vô sanh diệt. Nơi đó không có vọng nào để trừ dẹp; không có chân nào để cầu ngộ; không có pháp nào để hành; không có đạo nào để tu; không có thiền nào để chứng.

Thêm vào hạt cải không chỗ chứa,
Bớt một lân hư chẳng chỗ trừ.(TG)

Chỉ trong một cái chớp nhoáng tức thời lặng tâm dứt tưởng, quên thân đó, hàng lợi căn siêu xuất sẽ tiêu dung thể nhập vào chân trời thênh thang bát ngát, vô lượng vô biên.

Thôi chớ chạy tìm kiếm quẩn quanh,
Ngại gì muôn kiếp tử cùng sanh.
Buông tay thẳng đấy nhà liền đến,
Chậm bước suy tư mất bảo thành.(TG)

Bật cao một quyết là xong hẳn,
Kẻ thấp càng nghe lại lắm ngờ.(chứng đạo ca)
Vậy khuyên tất cả mọi người:
Sao bằng tự cửa vô vi ấy,
Một nhảy và liền đất Như Lai.(chứng đạo ca)

Cánh cửa không ấy, trước đó Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn đã khéo léo mở tung và chàng Huệ Năng quê mùa dốt chữ, nghèo mạt rệp, không một chút công lao, xưa nay không một vật, đã nhanh chân bước thẳng vào, mặc sức tung hoành ngang dọc. Để rồi từ đó, lãnh trọn một kho tàng vô giá với những cái đâu ngờ: “tánh mình xưa nay thanh tịnh,;…tánh mình vốn không sanh diệt;…tánh mình vốn tự đầy đủ;…tánh mình vốn không dao động;…tánh mình hay sanh muôn pháp”. Một anh chàng bần cùng tử, áo vá, túi cơm, khố rách chân trần bá vơ ở đâu, bổng dưng trở thành một đại phú gia giàu sụ, sẳn của mà hưởng, mang y, bát chuồn thẳng về nam nửa đêm không ai hay biết. Thật tức chết đi thôi! Ấy thế lại còn tuyên bố: “Bổn lai vô nhứt vật, hà xứ nhạ trần ai”. dịch : “xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi bặm”. Và cũng từ đó người đã trở thành một trưởng giả lừng danh, oai đức trùm khắp cả thiên hạ.

Vì không công, không nhọc sức mà thừa hưởng trọn cả gia tài đồ sộ nên mặc tình cho khắp tiêu xài, không xan tham lẫn tiếc. Nhưng kho lẫm chưa từng vơi trong chân trời vô sở trụ “muôn pháp đều suốt thông, muôn pháp đều sẳn đủ, tất cả chẳng nhiễm, lìa hết pháp tướng, chẳng gì là sở đắc, đó gọi là tối thượng thừa”. Vốn sẳn là vậy.

Khỏi tìm cầu bao kiếp sống lang thang,
Kẻ cùng tử bây chừ là trưởng giả.
Đây kho báu đầy ngọc ngà gấm vóc,
Ta tiêu xài ban rải khắp trần gian,
Vẫn cứ đầy trong khắp nẽo lầm than.(TG)

Rồi cũng từ trong chân trời vô sở đắc ấy, lại xuất hiện một nhân vật khổng lồ, dáng người lồng lộng giữa trời cao. Hiên ngang chống tích trượng bước thẳng vào cửa Tổ Sư, nhiễu quanh giường thiền ba vòng, dựng gậy, đứng thẳng người nhìn chăm chăm vào mắt Tổ Sư.

Chính ngay đây ai thấy được hải ấn tam muội của chư Phật đã được hiện bày một cách rốt ráo và trọn vẹn. Kho tàng bí mật của Như Lai đã được khám phá. Và kìa! Đầu gậy của nhà thơ Huyền Giác đã phóng quang trừng chiếu khắp ba ngàn thế giới. Việc lớn sanh tử nằm ngay trong cái thực tại vĩnh hằng. Vô thường nhanh chóng chỉ là cái ngay đây vĩnh cữu.

Thể tức vô sanh
Liễu tức không mau chậm.
Phân biệt cũng không phải ý.(HG)
Phải vậy! phải vậy!
Hãy ở lại một đêm.(HN)
Trong đêm ấy việc gì xảy ra? Ai biết được.

Từ đấy nhà thơ Huyền Giác đã trở thành Thiền Sư huyền Giác. Bản trường ca chứng đạo đã bắt nguồn từ mạch suối Tào Khê, chảy dài theo dòng lịch sử vô cùng tận, siêu thời gian và vượt cả không gian, cho đến bây giờ và mãi mãi vô lượng kiếp về sau chưa bao giờ ngưng trụ.

Tác giả: Không phải tôi