Bài viết hay

LẮNG NGHE NHỮNG LỜI THỊ PHI

LẮNG NGHE NHỮNG LỜI THỊ PHISống trong đời sống, ít nhất ta cũng có một lần bị người khác chỉ trích, phê phán, thậm chí là mắng rủa, đay nghiến với những ngôn từ khó nghe… Phải biết lắng nghe những lời thị phi để lớn thêm một chút.

Với góc nhìn nhân văn, tất cả mọi thứ đều có nguyên do của nó. Nhưng với tính bảo thủ, cố hữu, ích kỷ tồn tại ít nhiều trong mỗi con người thì thật khó lòng tiếp nhận những lời thị phi, xoi mói thay cho những ngôn từ hoa mỹ, ngọt ngào. Nếu ai đó khen ta, ta có biểu hiện đỏ mặt, nở mũi, mở cờ trong bụng. Còn ai đó chê ta, ta có tâm trạng buồn, ấm ức, mặt ỉu xìu như xe xẹp lốp, rồi tìm đủ mọi cách để “trả thù” cho hả dạ. Trả thù xong ta cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Rồi cuộc hành trình ấy cứ tiếp diễn như người bơi ngược nước, để sinh tồn buộc ta phải cố sức chống chọi với dòng nước dữ, hay là đầu hàng số phận, phó thác cho nước lũ cuốn trôi vào vô định.

Người nào chửi ta mà ta không nghe, không hề bận tâm lo nghĩ thì lời chửi ấy lại quay về với chính họ mà thôi. Chẳng khác gì họ ngửa mặt nhổ nước bọt lên trời, tiếc thay, nước bọt không thấu trời mà rơi xuống trên mặt họ. Nhưng thử hỏi mấy ai đủ kiên nhẫn hành trì việc đó, không đáp trả tức thời thì cũng chờ cơ hội phản ứng, hoặc nao nao cố giữ trong lòng từ ngày này qua tháng nọ, năm kia. Thế thì, tại sao chúng ta không biết lắng nghe những lời thị phi, đủ can đảm để đối diện với thực tế, dùng lý trí để phân tích, dùng thực tiễn cuộc sống để kiểm chứng, để sống vững vàng hơn.

Ngạn ngữ có câu: “Bảy mươi chưa hết què, chớ vội khoe mình lành”. Thế nên, đồng hành với những lời hay ý đẹp, ngôn từ hoa mỹ, sự ca tụng tán thán là sự chỉ trích, châm chỉa, xoi mói theo kiểu “vạch lá tìm sâu” cũng là điều dễ hiểu trong đời sống thường nhật của con người phàm tục. Vấn đề là chúng ta phải chấp nhận, tiếp nhận và xử lý nó thế nào cho khôn khéo, tinh tế, đòi hỏi năng lực thích nghi với môi trường sống, như hiện tượng sống chung với lũ, lũ qua rồi thì đất sẽ khô thôi!

Biết lắng nghe những lời thị phi, nghĩa là chúng ta đã dũng cảm thực hiện phương châm “Hãy bỏ qua những lỗi nhỏ của người khác, nhưng phải nghiêm khắc lỗi nhỏ của chính mình”, để rồi ta được “lớn” thêm một chút, trưởng thành, chững chạc hơn trên con đường vươn tới giá trị sống Chân-Thiện-Mỹ. “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Rồi mai đây nếu có còn phải nghe những lời thị phi khác, nghe âm thanh gầm rú của những ngôn từ chát chúa, đanh đá… thì ta không còn ngỡ ngàng, hoặc bối rối như chưa hề được nghe lời thị phi. Tuy nhiên, có những lời thị phi không xác đáng thì chớ bận tâm, vì nó thiếu cơ sở minh chứng, kiểu vu khống, vu oan nhằm làm hại người khác, để thực hiện ý đồ xấu xa của họ. Trong trường hợp này chúng ta im lặng là vàng, mỉm cười chờ sự thật hiển hiện phơi bày là thượng sách.

LẮNG NGHE NHỮNG LỜI THỊ PHITốt hơn hết, bạn hãy làm tốt công việc mình đang làm, thiết tha yêu cuộc sống mà mình đang sống, nâng niu giá trị sống từng ngày. “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Đồng thời ta biết lắng nghe tiếng gọi của trái tim mình, cùng sẻ chia, hướng những điều tốt đẹp đến với mọi người xung quanh, đặc biệt là phải kiên nhẫn luyện lòng: “Người tưới nước lo phần dẫn nước/ Thợ cung tên lo chuốt cung tên/ Thợ hồ tô vách xây nền/ Cũng như người trí ngày đêm luyện lòng”.

Trên hành trình tìm kiếm giá trị đích thực cuộc sống, bên cạnh con đường nhung lụa, bằng phẳng là những đoạn đường chông gai, khúc khuỷu. Chúng ta hãy can đảm để lắng nghe những lời thị phi như một phần tất yếu của cuộc sống. Hết mưa thì nắng ửng lên thôi! Sự thật rồi cũng trở về tự thân vốn có của nó: tinh khôi, nõn nà, trong sáng như giọt sương mai hay tràn đầy nhựa sống như chồi non xanh biếc của xuân lòng bất tận…

Võ Văn Dần

(Nguồn:  Báo Giác Ngộ)