6326 Camino Del Rey, Bonsall, CA 92003, Tel: 760-945-5588
Nhìn vào hiện trạng cuộc sống chúng ta thấy rỏ, xã hội loài người đang phát triển đến mức cực thịnh, đủ muôn màu muôn vẻ, rất phong phú, đa dạng và phức tạp. Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, là động cơ chủ yếu thúc đẩy toàn bộ cơ cấu xả hội vươn lên đổi mới trên mọi lãnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y học v.v…Khoa học đã đem đến cho con người đời sống tiện nghi vật chất sung mãn, mọi nhu cầu đều được đáp ứng thỏa đáng. Tuy nhiên bản chất tham muốn của con người không bao giờ biết thỏa mãn, biết chán, biết đủ, biết đủ, biết dừng. Họ cứ luôn luôn đi tìm những cảm giác mới lạ để được tận hưỡng những thú vui của cuộc đời. Dục vọng của con người là túi tham không đáy, sự mong muốn này vừa được đáp ứng, con người cảm thấy không hài lòng thỏa mãn, liền chạy đi tìm cầu một sự đáp ứng mới khác, có hiệu qủa cao hơn, cảm giác lâu bền chất lượng hơn, lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn và thèm khát. Con người bị dục vọng lôi cuốn chạy theo đời sống vật chất, quên mất đi phần tâm linh cao đẹp của chính mình. Đó là nguyên nhân gây ra những mâu thuẩn, xung đột làm sụp đổ toàn bộ giá trị cao qúi về mặt tinh thần, nền luân lý, đạo đức cơ bản của con người đã bị thoái hóa, tạo nên mặt trái của xã hội đầy những tai biến sa đọa tệ hại: nào hiếp dâm, cướp của, giết người, lợi dụng tình dục trẻ em, loạn luân, nghiện ngập xì ke, ma túy, chiến tranh thù hận lan tràn diễn ra khắp nơi trên thế giới, làm đảo lộn trật tự an ninh trong cuộc sống, cả thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng bi đát, và hậu qủa của sự tàn phá vô cùng nguy hiểm.
Xét lại, sự văn minh tiến bộ của khoa học đã đưa đến cho con người đời sống vật chất sung mãn, nhưng không đem đến cho con người sự bình an, yên vui, hạnh phúc thật sự. Ngược lại, nó đem đến cho con người thêm nhiều lo lắng, phiền muộn, sợ hãi, bất an căng thẳng và đau khổ chất chồng không lối thoát. Nguyên nhân chính yếu gây ra mọi sự xáo trộn và bất an trong cuộc sống, là do sự tương phản qúa chênh lệch giữa hai phương diện vật chất và tinh thần. Trước sự cùng quẩn, bế tắc về tư tưởng, trước tình trạng khẩn cấp, nguy ngập đã đến mức báo động, giữa xã hội đầy những biến cố tao loạn đáng sợ nầy, mọi người đều đặt câu hỏi, làm thế nào để có cuộc sống bình an, yên vui, hạnh phúc. Đó là vấn đề chủ yếu và chánh đáng được đề ra cho mọi người có dịp nghiên cứu học hỏi, tự cứu lấy bản thân mình thoát ra khỏi sự cuốn hút của cơn gío lốc cực kỳ hiểm nguy của thời đại. May mắn thay, trên thế gian nầy còn có một phương pháp mầu nhiệm giúp cho con người có được cuộc sống bình an ngay trong giờ phút hiện tại. Đó là phương pháp thực hành tu tập thiền định. Thiền định có công năng chuyển hóa con người từ một tư tưởng bệnh hoạn, hèn yếu, hư hỏng trở nên lành mạnh, lạc quan, yêu đời; từ một cơ thề suy nhược, yếu đuối trở nên cường tráng, mạnh khoẻ; từ một tinh thần căng thẳng, mù mờ trở nên trầm tĩnh và sáng suốt. Để đáp ứng thỏa đáng nguyện vọng và nhu cầu đòi hỏi thiết thực của quảng đại quần chúng. Chúng tôi, Hội Thiền Học Phật Giáo Thiền Tông Việt Nam đang thành lập một trung tâm Thiền tại thành phố Bonsall, một thành phố có phong cảnh đẹp, yên tĩnh và thoáng mát, rất thích hợp cho việc thực hành thiền tập. Đây là một trung tâm nghiên cứu, tu học, giảng dạy và hướng dẫn tu tập tọa thiền.
Đây cũng là nơi đào tạo, sản xuất những vị Tăng tài có khả năng lãnh đạo tinh thần cho quần chúng. Cơ sở nầy không chỉ dành riêng cho người dân tại Bonsall, mà còn là nơi lý tưởng cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi muốn về đây tĩnh tu (nhưng phải đăng ký trước, vì chổ ở có giới hạn), tập sống trong yên lặng tĩnh thức sau những ngày làm việc căng thẳng và ồn náo. Tạo cơ hội cho mọi người sau khi đến đây trở về sẽ tiếp nhận được một phương pháp hữu ích thiết thực, áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình để làm cuộc chuyển hóa nội tâm, đưa đến sự sống thoải mái, lạc quan, yêu đời, và đây mới đích thực là đời sống bình an, yên vui và hạnh phúc thật sự mà không có một thứ tài sản vật chất thế gian nào có thể so sánh được.
Sự thành lập Trung Tâm Thiền nầy không những làm tăng thêm vẻ đẹp kiêu kỳ cho thành phố Bonsall, mà còn là một đóng góp tích cực, một cống hiến lớn lao cho xã hội, một di sản vô gía thuộc về văn hóa tâm linh của nền văn minh cổ xưa nhân loại đã bị lãng quên trong qúa khứ.
ĐỜI SỐNG CỦA CHƯ TĂNG TRONG THIỀN VIỆN
I. LỤC HÒA :
Lục Hòa là chất keo gắn chặt lâu bền các Thiền sinh chung sống tại Thiền Viện. Lục Hòa cũng là nền tảng vững chắc của đoàn thể Tăng .
- Thân hòa đồng trụ: Về phần thân, lao động, tu hành, ăn mặc, ngủ nghỉ Thiền sinh phải hòa đồng nhau .
- Khẩu hòa vô tránh: Về phần miệng, nói bàn tranh luận đều trong tinh thần hòa nhã , trọng đạo đức, không được lớn tiếng tranh hơn và dung lời nặng nhẹ nhau.
- Ý hòa đồng duyệt: Thiền sinh phải tâm ý vui hòa, không có ý ngang ngạnh, chống đối, thù hằn nhau .
- Kiến hòa đồng giải: Thiền sinh có mọi kiến giải sai biệt trong lúc hạ thủ công phu hay trong khi học giáo lý, đèu đem ra trao giải bày một cách thông cảm và vui vẻ với nhau .
- Giới hòa đồng tu: về giới luật, Thiền sinh phải giữ mười giới làm căn bản và sống đúng nội qui của Thiền Viện, cố gắng gìn giữ thanh tịnh như nhau.
- Lợi hòa đồng quân: Tất cả tài sản và phẩm vật trong Thiền Viện là của chung, của các Thiền sinh hiện có mặt, không ai có quyền giữ riêng hay thụ hưởng nhiều hơn.
II. GIỚI LUẬT :
Giới luật là nền tảng đạo đức, cũng là gốc của cây thiền định và hoa qủa trí tụệ.
GIỚI CĂN BẢN: Thiền sinh tại Thiền Viện giữ mười giới làm trọng tâm.
- Không Sát Sanh: Từ con người cho Đến loài vật, Thiền sinh không được giết hại, xúi bảo ngưòi giết hại, hoậc thấy người giết hại sanh tâm vui mừng.
- Không trộm cắp:Tiền bạc, vật dụng, thức ăn uống… của ngưòi, nếu người không cho, thiền sinh không được tự tiện lấy, nếu lấy thành trộm cắp.
- Không dâm dục:Thiền sinh không thực hành dâm dục, không tạo phương tiện dâm dục (thư từ qua lại với người khác phái) và không khởi tâm nghĩ tưởng về dâm dục.
- Không nói dối: Thiền sinh không nói sai sự thật, không nói lời ác độc hung dữ, không nói lời gây chia rẽ thù hằn nhau, không nói lời phù phiếm vô nghĩa.
- Không uống rượu: Thiền sinh không uống các thứ rượu mạnh và nhẹ, không hút thuốc và các thứ ghiền khác.
- Không đeo tràng hoa và ướp nước hoa: Thiền sinh không dùng mọi thứ trang sức làm cho thân nầy sang đẹp.
- Không ca múa hát xướng: Những trò vui có tính cách đùa cợt loạn tâm, Thiền sinh không được tự làm, nghe, xem người khác làm .
- Không nằm ngồi giường tòa to và sang trọng: Thiền sinh chấp nhận một đời sống đạm bạc, nên không nằm ngồi giường ghế to lớn sang trọng.
- Không giữ tiền bạc vàng ngọc: Thiền sinh chấp nhận đời sống không có tài
- sản riêng, chỉ có những vật dụng cần thiết do Thiền Viện sắm cho, nên không cần giữ tiền bạc, v.v…
- Không ăn phi thời: Thiền sinh chấp nhận đời sống tam thường bất túc để tinh tấn tu hành, nên phải giữ giới không ăn phi thời, trừ trường hợp lao động nặng nhọc thì châm chước .
III. TỔ CHỨC:
Tổ chức Thiền Viện là tổ chức chuyên tu Thiền theo tông chỉ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử ở Việt Nam. Để hướng dẫn và bảo vệ Thiền sinh tu hành được kết qủa tốt, nên tổ những người có trách nhiệm chia làm hai ban: Ban lãnh đạo và Ban chức sự.
A. Ban Lãnh Đạo :
1. Viện Trưởng: Chịu trách nhiệm hướng dẫn tu hành và xem xét tổng quát toàn bộ Thiền Viện.
2. Viện Phó: Thay thế Viện Trưởng khi vắng mặt hoặc đặt trách một trách nhiệm gì do viện trưởng giao phó.
3. Thư Ký: Gìn giữ những văn kiện, thư từ quan trọng của Thiền Viện. Soạn thảo văn thư và liên lạc qua lại với Giáo Hội, Chánh quyền, Phật tử .
4. Thủ bổn: Nhận giữ và chi ra cho các chức sự cần mua sắm cho chúng và Thiền Viện, với sự đồng ý của Ban lãnh đạo. Mỗi tháng phải báo cáo thu chi lên Viện Trưởng.
B. Ban Chức Sự:
1. Quản Chúng: Có trách nhiệm sắp đặt việc tu hành của toàn chúng, chủ lễ các buổi lễ trong Thiền Viện, xem xét sự tu hành và đạo đức của chúng .
2. Phó quản chúng: Có trách nhiệm thay thế Quản chúng khi vắng mặt và nhận công tác đặc biệt do Quản chúng giao .
3. Tri sự: Sắp đăt phân công nhân sự trong mọi công tác của Thiền Viện. Phân chia vật dụng cho chúng.
4. Tri khách: Tiếp xúc các Phật tử và sắp đặt nơi ăn ở cho khách. Nếu khách cần ở laị, hướng dẫn xin và trình giấy tờ với Chánh quyền.
5. Tri khố: Mua sắm những thức ăn uống, sắp đặt cho Ban trị nhựt nấu nướng những thức ăn thích hợp với nhu cầu cần thiết cho chúng.
6. Hương đăng: Lau quét điện Phật, chưng cúng hoa quả và hướng dẫn Phật tử hành hương lễ Phật.
7. Trưởng ban vườn: Trồng cây và chăm sóc vườn cây cho tươi tốt, đồng thời biết thu hoạch quả đúng lúc, hoặc bán kịp thời.
8. Trưởng ban rẫy: Trồng rau đậu và các thứ cải cho chúng đủ ăn hàng ngày.
9. Trưởng ban hoa kiểng: Trồng trọt và trông coi săn sóc toàn bộ hoa kiểng trong Thiền Viện, dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo.
10. Ban khán bệnh: Ở nơi xa vắng, Ban khán bệnh rất cần thiết. Ban khán bệnh phải săn sóc bệnh của chúng từ lúc khởi đầu. Phật đã dạy săn sóc người bệnh là săn sóc Phật.
Ngoài ra, theo nhu cầu của mỗi Thiền Viện, mà việc phân ban có sai khác, tuỳ theo sự sắp xếp của Ban lãnh đạo.