Bài viết hay

TRÁI TIM THIỀN TẬP

Sharon Salzberg

TRÁI TIM THIỀN TẬP


Khóa tu đầu tiên của chúng tôi tổ chức đặc biệt cho gia đình, tại trung tâm Insight Meditation Society, được dành riêng cho các bậc cha mẹ của các thiền sinh. Ðem thiền tập giới thiệu đến với họ là một cách để giải trừ những lo âu của họ về cái mốt ưa chuộng kỳ lạ của con cái. Một thiền sinh, hiểu rõ về thái độ của mẹ mình khi đến học thiền, nói, “Má tôi là người đàn bà mà sẽ than phiền rằng ‘Cái con chim khốn kiếp kia làm ra mất ngủ cả đêm’.”. Mà thật, bà ta đã nói y như vậy sau đêm đầu tiên ngủ tại trung tâm! Nhưng đến cuối tuần thì cách lắng nghe của bà đã hoàn toàn thay đổi. Bà đã tập được cách chỉ đơn giản lắng nghe thôi, buông bỏ hết những sự phê phán của mình về tiếng chim kêu trong đêm khuya.

Có nhiều cách để nghe một âm thanh. Chúng ta có thể nghe một tiếng động nào đó rồi trở nên bực mình và phản ứng, cảm thấy khó chịu. Trong trường hợp âm thanh nào đối với ta là dễ chịu, ta sẽ muốn nó tiếp tục mãi. Còn với những âm thanh không dễ chịu cũng chẳng khó chịu, có lẽ ta chỉ nghe chúng có “nửa tai” thôi. Và ta cũng có thể trực tiếp lắng nghe một âm thanh, mà không phê phán, không thêm bớt – nó chỉ đơn giản là một tác động của thính giác – chừng ấy, cả một thế giới mới sẽ phơi bày trước mặt ta. Kinh nghiệm được mọi hiện tượng trong cuộc sống này bằng đường lối trực tiếp ấy chính là tinh túy của chánh niệm.

Chánh niệm là một đặc tính của ý thức, có khả năng tiếp xúc trực tiếp với những kinh nghiệm của ta, đối diện chúng thẳng mặt, không để bị bóp méo hoặc làm sai trật bởi những tham muốn, sân hận và si mê. Thói quen tham muốn thường thúc đẩy ta cố gắng vô vọng, muốn làm sao để giữ cho những kinh nghiệm dễ chịu được tồn tại mãi.Thói quen sống theo tâm sân hận và sợ hãi khiến ta tránh né những kinh nghiệm đớn đau, như thể là ta có khả năng ngăn chặn chúng được vậy. Và thói quen sống theo sự si mê đã khiến ta trở nên thất niệm, xa rời giây phút hiện tại, khi những kinh nghiệm của ta không đặc biệt dễ chịu mà cũng không là khó chịu.

Nếu chúng ta đi cộng lại hết những giây phút ta không thể kinh nghiệm sự sống của mình trọn vẹn, vì sự tham muốn và dính mắc khiến ta không thật sự có mặt, vì sự sân hận và ghét bỏ khiến ta xa cách, vì sự si mê khiến ta lạc lối, những giây phút ấy sẽ là một con số khổng lồ. Và những giây phút của chánh niệm, khi ta thật sự biết sống, chỉ là một con số rất nhỏ nhoi. Ðó là một lối sống vô cùng giới hạn và rất là tội nghiệp.

Sống tỉnh thức trong giờ phút hiện tại với một sự quân bình, tĩnh lặng và hiểu biết, cho dù kinh nghiệm ta có là dễ chịu, khó chịu hoặc trung hòa, là một chuyện có thể được. Ðó là nhờ sức mạnh của chánh niệm. Chánh niệm là một ý thức thẳm thấu và sâu sắc, không hời hợt bề ngoài. Trong kinh điển, tính chất của chánh niệm được ví dụ như khi ta thảy một nút chai bằng bần xuống nước với lại thảy một hòn đá. Ý thức hời hợt bên ngoài cũng giống như chiếc nút chai sẽ nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Ngược lại, hòn đá sẽ chìm sâu thẳng xuống đáy nước.

Một ví dụ khác cho tính chất của chánh niệm là hình dung đến việc gì xảy ra khi ta đổ nước vào một cái ly. Nước không nằm yên một chỗ mà nó tràn lan đi khắp nơi, làm đầy hết những khoảng trống trong ly. Cũng vậy, chánh niệm ôm trùm và tràn lan khắp nơi trên đối tượng của nó. Khi chúng ta có chánh niệm, ta bao trùm khắp kinh nghiệm của mình trong một ý thức trọn vẹn. Khi ta nghe một âm thanh, ý thức ta hòa nhập thẳm thấu vào cái nghe ấy.

Khi ta có chánh niệm, khi ta có thể tiếp xúc trực tiếp với những gì đang xảy ra, thế giới này sẽ trở nên vô cùng sinh động. Thay vì nhìn sự vật qua những lăng kính của hy vọng và sợ hãi, ta có thể mặt với sự việc như chúng là.Với chánh niệm, chúng ta nhìn bằng con mắt quán chiếu, như các nhà tu Sufis thường nói, với “con mắt không bị mê mờ vì sự mong muốn”.

TRÁI TIM THIỀN TẬPThật ra, lối nhìn ấy cũng sống như khi chúng ta mới gặp mặt người lạ. Khi gặp một người nào lạ, ta thường có khuynh hướng đem người đó sắp vào một khuôn mẫu nào đã có sẵn trong ta. Ta không chịu nhìn và quan sát, mà tự phóng chiếu nên một ý tượng về người đó hoàn toàn dựa trên bề ngoài của họ. Dần dà, khi sự phóng chiếu của mình giảm bớt, ta bắt đầu chú ý rõ hơn và thấy xuyên qua được những chi tiết giả tạo bên ngoài ấy. Và từ đó, ta mới có thể tiếp xúc được gần gũi với con người thật sự của họ. Cũng vậy, chánh niệm sẽ giúp ta đến gần với thực tại sinh động của kinh nghiệm mình hơn.

Chánh niệm có thể có mặt ở mọi nơi. Nó không bị giới hạn trong bất cứ một trường hợp đặc biệt nào. Bạn có thể nói, như mẹ của một thiền sinh, “Tôi không thể nào giữ chánh niệm được vì nó ồn quá!”. Nhưng đó là một quan niệm rất sai lầm về chánh niệm. Chúng ta có thể có chánh niệm về sự yên lặng, và ta cũng có thể có chánh niệm về sự ồn ào. Chúng ta có thể có chánh niệm về ngay cả những âm thanh chói tai nhất ! Ta có thể có chánh niệm về bất cứ một việc gì nằm trong kinh nghiệm của mình. Chánh niệm là một đức tính của tâm thức mà nó có thể bao gồm và tàng chứa hết tất cả.

Một đặc tính của chánh niệm là nó không hề bị đối tượng của nó ảnh hưởng. Có nghĩa là ta có thể có chánh niệm về niềm vui trong giây phút này, nỗi buồn trong giây phút kế, và rồi tiếp đến là chán chường chẳng hạn, tự tính của chánh niệm vẫn không hề thay đổi. Cho dù đối tượng của nó là bất cứ một việc gì, tự tính của chánh niệm bao giờ cũng rộng lớn, cởi mở và tự do.

Sự tu tập chánh niệm cũng giống như ta đang đi trên một hành trình hoặc là đang khám phá một bí mật lớn vậy. Trong cuộc sống hằng ngày, sẽ có biết bao nhiêu lần ta bị rơi vào thất niệm, phản ứng theo thói quen hoặc tách rời với giây phút hiện tại. Nhưng một khi ý thức được điều ấy, ta chỉ cần bắt đầu lại là đủ. Thật ra, ngay khi ta vừa ý thức được mình đánh mất chánh niệm, là ta đã tìm lại được nó rồi, vì sự nhận diện ấy tự chính nó là một chức năng của chánh niệm.

Mỗi khi chúng ta tiếp tục bắt đầu lại là mỗi lần năng lực của chánh niệm sẽ hiển bày. Sự thực tập kết quả trái ngay trong mỗi giây phút hiện tại, cũng như trong những giây phút tương lai. Chánh niệm không phải là một cái gì mơ hồ, viễn vông hoặc xa vời, nó sống dậy trong mỗi giây phút ta lại bắt đầu, và bắt đầu lại. Và đó chính là trái tim của thiền tập.

Nguyễn Duy Nhiên chuyển dịch
(Trích “Trái Tim Thiền Tập”, Sharon Salzberg)