Sách giảng

THIỀN SƯ VĨNH GIA HUYỀN GIÁC

THIỀN SƯ VĨNH GIA HUYỀN GIÁCThiền sư Huyền Giác ở Vĩnh Gia, họ Đới, quê ở Ôn Châu, thuở nhỏ tập kinh luận, chuyên về pháp môn chỉ quán của tông Thiên Thai, nhân xem kinh Duy-ma-cật phát minh được tâm địa; chợt gặp đệ tử của Tổ là Huyền Sách thăm hỏi, cùng bàn chuyện sôi nổimà mỗi lời nói ra đều thầm hợp với chư Tổ. Huyền Sách hỏi:

Nhân giả được pháp nơi Thầy nào?

Huyền Giác đáp:
Tôi nghe kinh luận Phương đẳng mỗi vị đều có Thầy truyền thừa, sau nơi kinh Duy-ma-cật ngộ được Phật tâm tông mà chưa có người chứng minh.

Huyền Sách bảo:
Từ đức Phật Oai Âm Vương về trước tức được, từ Phật Oai Âm Vương về sau, không Thầy mà tự ngộ trọn là thiên nhiên ngoại đạo.

Huyền Giác nói:
Xin nhân giả vì tôi chứng minh.

Huyền Sách bảo:
Lời tôi nhẹ, ở Tào Khê có Lục Tổ đại sư bốn phương nhóm họp về đều là những người thọ pháp. Nếu ông chịu đi thì cùng tôi đồng đi.

Huyền Giác bèn đồng với Huyền Sách đến tham vấn.

Đoạn trên đây là câu chuyện đối đáp giữa ngài Huyền Giác và ngài Huyền Sách. Ngài Huyền Giác trình bày chỗ sở ngộ của mình, do đọc kinh Duy-ma-cật mà ngộ. Ngài Huyền Sách nói trước đức Phật Oai Âm Vương thì được, còn sau đức Phật Oai Âm Vương thì không được, không thầy mà tự ngộ là thiên nhiên ngoại đạo. Bởi vì theo kinh nói ở thế gian chúng ta, tức là thế giới Ta-bà này, đức Phật đầu tiên là Phật Oai Âm Vương, trước Ngài thì chưa có đức Phật nào hết. Nếu chưa có Phật, không thầy mà tự ngộ thì được, nếu có Phật rồi mà ngộ thì phải có thầy.

Đến đây chúng tôi muốn nói rộng hơn một chút. Hiện giờ tôi đang dạy thiền, có người công kích hỏi thầy tôi là ai? Theo lời ngài Huyền Sách, trước Phật Oai Âm Vương không thầy tự ngộ là được, còn sau Phật Oai Âm Vương không thầy tự ngộ, đó là thiên nhiên ngoại đạo. Như hiện giờ tôi đang truyền thiền mà không có thầy có phải là thiên nhiên ngoại đạo hay không? Đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Nếu căn cứ theo sự truyền thừa từ thầy đến trò thì đây là một khuyết điểm, còn nếu căn cứ trên những kinh luận hay ngữ lục v.v… thì lại khác. Đương thời ngài Huyền Giác có Lục Tổ, nếu ngộ rồi mà không đến với Tổ để ấn chứng đó là ngã mạn, vì bất cần hệ thống Phật pháp. Thời Lục Tổ hoặc về sau có những vị được kế thừa, ngộ đạo hẳn hoi, nếu biết mà không đến trình là phạm lỗi. Còn trường hợp chúng tôi hiện giờ, nếu muốn trình là phải trình cho ai? Không có ai để trình thì phải làm sao? Chùa nào cũng bảo niệm Phật hay trì chú, vì vậy chúng tôi không trình được với ai. Tất nhiên chúng tôi phải căn cứ vào kinh luận và ngữ lục của chư Tổ để làm chứng cứ. Chúng tôi hiện giờ hiểu mà không có thầy truyền riêng nên bị nghi ngờ, vì vậy khi nói Thiền chúng tôi phải lấy kinh, luận, sử của chư Phật chư Tổ làm chứng. Còn các vị trước đắc truyền có thầy, đâu cần giảng kinh, các đệ tử muốn hỏi gì cứ hỏi, các ngài dùng diệu thuật nhà thiền hoặc đánh, hoặc hét để chỉ dạy. Thành thử hoàn cảnh mỗi thời mỗi khác, nếu bắt phải có thầy ấn chứng là một đòi hỏi quá đáng, không thể thực hiện được. Hiểu như vậy rồi, mới thông cảm với chúng tôi.

Chúng tôi nương kinh luận mà ngộ, tất nhiên phải đem kinh luận làm bằng chứng để chỉ dạy cho người khỏi lầm lạc. Nếu không được truyền thừa, mà còn bỏ kinh bỏ luận để dạy Thiền tức thành ma thuyết, vì nói theo ý riêng của mình nên dễ lạc đường, đó là tai họa. Vì chúng tôi không được truyền cho nên đem kinh, luận, sử để giảng dạy, vì kinh luận sử là cái gương để soi đúng và sai, lấy kinh luận sử làm căn bản để giải các mối nghi ngờ.

Đến giai đoạn hai là ngài Huyền Giác tham vấn Lục Tổ.

Khi đến, Huyền Giác nhiễu Tổ ba vòng, chống tích trượng mà đứng. Tổ bảo:
Phàm là Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, Đại đức từ phương nào đến, sanh đại ngã mạn?

Huyền Giác thưa:
Sanh tử là việc lớn, vô thường mau chóng.

Tổ bảo:
Sao chẳng thể nhận cái vô sanh, liễu không mau ư?

Huyền Giác thưa:
Thể tức là vô sanh, liễu vốn không có mau.

Tổ bảo: Như thế, như thế!

Huyền Giác mới đầy đủ oai nghi lễ bái, trong chốc lát liền cáo từ. Tổ bảo:
Trở về chóng vậy?

Huyền Giác thưa:
Vốn tự không động, há có mau ư?

Tổ bảo: Ai biết chẳng động?

Huyền Giác thưa: Nhân giả tự sanh phân biệt.

Tổ bảo: Ông rất được cái ý vô sanh.

Huyền Giác thưa: Vô sanh há có ý sao?

Tổ bảo: Nếu không ý thì ai biết phân biệt?

Huyền Giác thưa: Phân biệt cũng không phải ý.

Tổ bảo: Lành thay! Hãy dừng lại một đêm.

Thời nhân gọi là Nhất túc giác. Sau Ngài có trước tác bộ Chứng Đạo Ca, thạnh hành ở đời. Thụy là Vô Tướng đại sư, người đương thời xưng là Chân Giác.

Đến giai đoạn này chúng ta sẽ lấy làm lạ, vì sao người đến hỏi đạo với Tổ, biết Tổ được truyền y bát mọi người đều quí kính, lại không chịu nghiêm chỉnh lễ bái? Ngài đi vòng giường thiền của Tổ rồi chống gậy đứng nghiễm nhiên có vẻ ngạo mạn. Tổ liền quở: “Phàm Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, Đại đức từ phương nào đến mà sanh đại ngã mạn như vậy?” Ngài bèn thưa: “sanh tử là việc lớn, vô thường mau gấp”, như vậy có rảnh đâu mà phải đầy đủ lễ nghi. Vì phải giải quyết sanh tử, vô thường gấp lắm rồi, không còn thì giờ đâu mà hình thức lễ nghi nữa. Ngay lời nói đó Tổ liền bảo: “Tại sao không ngay đó mà thể nhận cái vô sanh đi, liễu chẳng mau chăng?” Ngài liền đáp: “Thể tức vô sanh, liễu không có mau.” Cái thể là vô sanh, còn liễu ngộ không có mau chậm, đó là Ngài bẻ lại ý của Tổ. Tổ liền khen: “Như thế, như thế!” Ngài Huyền Giác mới đầy đủ oai nghi lễ bái Tổ.

Người xưa đi hỏi đạo có những cái đặc biệt, vì gấp giải quyết sanh tử, nên không theo nghi thức. Đến khi giải quyết xong, mới đầy đủ oai nghi, lễ bái rồi cáo từ ra về. Tổ bảo: “như thế, như thế” là đã ấn chứng rồi, ngài Huyền Giác xin ra về. Tổ thấy Ngài ra về mau quá sợ không thấu đáo, nên bảo: “Sao trở về mau vậy?” Ngài liền bẻ: “Thể vốn tự không động, há có mau chậm.” Tổ liền gạn lại: “Ai biết chẳng động?” Ngài thưa: “Ngài tự sanh phân biệt.” Tổ nói: “Ông rất là được ý vô sanh.” Ngài bẻ lại Tổ: “Vô sanh có ý sao?” Tổ liền nói: “Không ý thì cái gì phân biệt?” Ngài liền trả lời: “Phân biệt cũng chẳng phải ý.” Câu này hay đáo để! Như trước đã nói, chúng tôi thấy tất cả quí vị mà không dụng ý gì hết, thấy nam biết nam, thấy nữ biết nữ, thấy cái nào rõ cái nấy mà không dụng ý, đó gọi là “phân biệt mà không phải ý”. Như vậy hằng ngày cái đó lồ lộ ở mắt tai đâu có giấu giếm. Tổ mới khen: “Lành thay, lành thay, hãy ở lại một đêm.” Thời nhân gọi là Nhất túc giác; nhất túc là một đêm, giác là giác ngộ, tức là ở lại một đêm mà được giác ngộ.