Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Hoài bão của tôi tức là những nỗi ấp ủ, trông chờ, mong đợi, thực hiện cho được. Những điều đó tôi ôm ấp đã lâu rồi, nhưng chưa có cơ hội để trình bày rõ ràng cho Tăng Ni thấy biết và hiểu rõ.
Nói tới “Hoài bão của tôi” thì tất cả ai cũng lạ, nghĩ đó là cái gì quí vị chưa từng nghe, chưa từng biết. Nhưng thật sự hoài bão tôi đã trưng bày cho tất cả thấy, tất cả biết rồi, nhưng chưa hiểu được thâm ý của tôi. Như vậy, khi nói tới hoài bão thì tôi liền đặt ra một câu hỏi để quí vị nhớ. Tại sao tôi đặt tên Thiền viện này là Thiền viện Thường Chiếu? Nếu quí vị hiểu được tên Thiền viện Thường Chiếu tức là quí vị cảm thông được hoài bão của tôi.
Chữ Thường Chiếu, tôi thường hay nói có hai ý. Ý thứ nhất là đứng về phương diện lịch sử. Thường Chiếu là hiệu, tên của một Thiền sư cuối đời Lý. Thiền sư này ở tại chùa Lục Tổ, Ngài chịu ảnh hưởng hay là Ngài được kế thừa hệ phái Vô Ngôn Thông, nhưng chùa Lục Tổ lại là chùa của hệ Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Như vậy trong đời Ngài hai hệ phái Thiền truyền trên đất nước Việt Nam là hệ Tỳ-ni-đa-lưu-chi và hệ Vô Ngôn Thông tới đây đã hòa hội thành một. Chỗ của Ngài ở, Ngài truyền bá chính là nơi hòa hội. Cho nên tôi thấy danh hiệu của Ngài xứng đáng kế thừa hay xứng đáng hòa hội hay kết hợp những phái thiền Việt Nam trở thành một, để lưu truyền sau này. Đó là nói về ý nghĩa của lịch sử. Nhưng đây chỉ là phần nhỏ, chưa phải là hoài bão của tôi.
Hoài bão của tôi thì nằm ngay hai chữ Thường Chiếu. Thường là luôn luôn là mãi mãi. Chiếu là soi sáng. Luôn luôn mãi mãi soi sáng, đó là Thường Chiếu. Khi thành lập Thiền viện Thường Chiếu đồng thời có Thiền viện Viên Chiếu. Lúc đó, hai Thiền viện ra đời trước ở vùng này. Tôi đặt bên Ni là Viên Chiếu, cũng mang hai ý nghĩa. Một là tên một Thiền sư đời Lý và một ý nghĩa khác nữa, Viên là tròn, Chiếu là soi sáng. Thường Chiếu là đứng về mặt thời gian, chiếu mãi, soi sáng mãi, không ngừng, không đứt đoạn. Đó là ý nghĩa Thường Chiếu. Đứng về chiều thời gian, nó liên tục cho tới không biết đâu là cùng. Đó là Thường. Nhưng nếu thường như vậy, có thể bị khu biệt trong một khu vực nào, một ngôi chùa nào miễn thường là được. Cho nên tôi đòi hỏi thêm một điều nữa là phải Viên. Viên là tròn. Tròn tức là đứng về mặt không gian trùm khắp. Như vậy thì Thường Chiếu là mãi mãi lâu dài. Viên Chiếu tức là trùm khắp hết. Đứng về mặt thời gian thì mãi mãi không cùng, đứng về mặt không gian thì bao trùm không thiếu.
Như vậy thì nguyện vọng, tâm tư của tôi có thể là tham. Tôi muốn Phật pháp hay là con đường của Thiền tông, ngọn đuốc của nhà Thiền sẽ soi sáng, soi sáng mãi không dừng, không tắt. Chẳng những soi sáng một nơi mà soi sáng trùm hết. Đó là mong đợi, là ấp ủ trong lòng tôi. Ngày nay Thường Chiếu đã thành hình, Viên Chiếu cũng thành hình cộng thêm ba Chiếu nữa cũng thành hình. Những nơi tôi dùng từ “Chiếu” ở sau là đều nói lên ý nghĩa soi sáng.
Quí vị mới thấy tâm tư tôi ấp ủ, mong mỏi một ngày này. Hiện tại tôi làm được bao nhiêu cũng như tôi thắp một ngọn đuốc. Từ ngọn đuốc đó, đứng về hai mặt: Chiều dài thì ngọn này sắp tắt, ngọn khác nối tiếp theo. Ngọn khác tắt thì ngọn sau nối tiếp theo, mãi mãi không cùng không tận. Đó là thường. Nhưng chỉ một ngọn này tắt tiếp một ngọn khác thì chỉ là chiếu ở một khu vực nhỏ thôi. Mà tôi không muốn như vậy, tôi muốn làm sao một ngọn đuốc được mồi với mười ngọn đuốc, hai mươi ngọn đuốc. Rồi mười ngọn, hai mươi ngọn sẽ mồi được ba bốn chục ngọn. Rồi mãi mãi từ một khu vực nhỏ lan dần lan dần cho tới khắp nơi, chỗ nào, chốn nào cũng sáng hết. Đó là hoài bão của tôi. Quí vị thấy có tham không? Nếu tham cho tôi thì tham, nhưng tham cho quần chúng, tham cho mọi người chắc không phải là tham.
Tại sao tôi lại đặt nặng chữ “Chiếu” như vậy. Đây tôi giải thích cho quí vị thấy tường tận. Bởi vì trong kinh Phật đã dạy: “Các ngươi phải tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp.” Phật dạy, mọi người chúng ta phải thắp sáng ngọn đuốc của mình lên. Nhưng ngọn đuốc mình phải mồi ở đâu mới sáng, mới cháy. Mồi với chánh pháp của Phật, chánh pháp của Phật là những ngọn đuốc đang cháy. Chúng ta muốn ngọn đuốc mình sáng thì phải mồi từ chánh pháp, nó sẽ sáng. Đó là lời Phật dạy trong kinh. Còn chư Tổ, chư Tổ nhà Thiền thì luôn luôn dùng từ chuyên môn là “Truyền đăng tục diệm”. Truyền đăng tức là trao đèn, tục diệm là nối đuốc. Chư Tổ dạy chúng ta phải trao đèn, phải nối đuốc để cho ánh sáng liên tục không dừng. Như vậy thì từ đức Phật Ngài đề cập tới thắp đuốc lên mà đi. Chư Tổ cũng luôn luôn dạy chúng ta phải tiếp nối, phải trao truyền bằng những ngọn đèn, những cây đuốc để hướng dẫn người sau.
Tại sao đạo Phật lại đặt nặng cây đèn ngọn đuốc? – Bởi vì nói tới đạo Phật, nói tới đức Phật thì chúng ta phải hiểu ngay Phật là giác ngộ. Đức Phật là một con người đã được giác ngộ. Đạo Phật là phương pháp dạy chúng ta giác ngộ, hay là một con đường đưa chúng ta đến chỗ giác ngộ. Mà giác ngộ là sáng. Nói tới giác ngộ là nói tới sáng suốt. Như vậy giác ngộ chỉ được tượng trưng bằng những ánh sáng của đèn, ánh sáng của đuốc và luôn ánh sáng của mặt trời mặt trăng.
Nói tới giác ngộ là nói tới trí tuệ, nói tới ánh sáng. Như vậy thì chúng ta truyền bá đạo Phật là truyền bá sự giác ngộ, truyền bá trí tuệ, chớ chúng ta không bao giờ truyền bá những cái mờ tối, những cái âm u được. Đạo Phật là giác ngộ, là trí tuệ, cho nên được tượng trưng bằng đèn bằng đuốc. Nếu không có giác ngộ, không có trí tuệ là không có đạo Phật. Vì thế quí vị thấy cái hệ trọng của người tu Phật như thế nào? Chúng ta tu phải có giác ngộ. Chúng ta phải mở sáng con mắt trí tuệ. Có trí tuệ rồi thì chúng ta mới chỉ, mới dạy lại những người khác mở sáng con mắt trí tuệ được. Nếu chúng ta mù tối mà dạy người được sáng thì không có chuyện đó. Chúng ta trong tay không có một cây đuốc mà muốn đốt đuốc để dắt dẫn người khác đi ra khỏi đường mê, được không? Muốn dẫn người ta ra khỏi chỗ tối tăm mù mịt thì trong tay mình phải có sẵn một ngọn đuốc sáng. Mình có đuốc sáng thì mới dìu dắt người ra khỏi chỗ u tối được.
Như vậy tu theo đạo Phật mà không đặt nặng vấn đề giác ngộ, không đặt nặng mở sáng con mắt trí tuệ, thì chưa phải đạo Phật. Ý nghĩa rõ ràng như vậy. Nhưng gần đây chúng ta thấy người tu hơi lơ là, không đặt nặng trí tuệ. Bởi không đặt nặng trí tuệ nên chúng ta càng tu càng đi xa với đạo. Đó là vì chúng ta không nhắm đúng trọng tâm mà Phật đã nhắm. Đức Phật đi tu, thành Phật là do giác ngộ. Từ giác ngộ Ngài mới đi truyền đạo, nếu Ngài không giác ngộ thì không có đạo Phật. Nói tới đạo Phật mà không nói tới giác ngộ là một thiếu sót lớn. Cho nên chúng ta phải thấy rõ trách nhiệm của mình là làm sao để cầm được ngọn đuốc sáng trong tay, để dẫn người từ những chỗ mê lầm ra chỗ tỉnh giác, từ chỗ tối tăm đến chỗ được sáng suốt. Đó mới là bổn phận của mình. Nếu làm cái gì khác chỉ là việc phụ, chớ không phải là cái chánh.
Quí vị thấy người học Phật, người tu Phật phải là người sáng, người giác chớ không có mê. Vì vậy nên cây đuốc, ngọn đèn là điều cần thiết. Nhưng ở đây, tôi dùng chữ “Chiếu” là soi sáng. Lấy cái gì để soi sáng? – Tức phải thắp đèn, phải mồi đuốc. Thắp đèn mồi đuốc mới có thể soi sáng được. Đó là trọng tâm. Bởi vì tất cả chúng ta đã nguyện trọn đời tu để được thành Phật. Thành Phật tức là được giác ngộ viên mãn. Nếu trong khi tu một năm, hai năm, ba năm tới năm, mười năm mà không giác ngộ tí nào hết, như vậy là tu theo Phật đúng với sở nguyện của mình hay là đi đường nào? Đó là câu hỏi mà tất cả quí vị phải tự đặt ra.
(Nguồn: Kỷ Yếu 40 Năm Thiền Viện Thường Chiếu 1974-2014)