Những ngày qua công ty xây dựng cố gắng tập trung hoàn thành những con mương và những hồ chứa nước được gọi là Bioretention. Vài dòng giải thích dưới đây của Kỷ sư Sĩ Phan và Tyler, thành viên của Ban Xây Dựng, hầu mong giúp quý Tăng Ni Phật tử có chút khái niệm về hoạt động của những hồ nước này và lý do tại sao vùng đất của TV lại phải cần có nhiều hồ lọc nước này.
Mục đích:
Bioretention, với một biến thể khác là bioswale, có thể được ví von là “vườn thoát nước mưa”. Được lắp đặt đầu tiên vào năm 2007 cho một dự án công cộng. Tuỳ vào thiết kế và kích cỡ, vườn thoát nước mưa giúp giảm tốc độ dòng chảy vàlọc bớt đất cát và chất thải trong nước mưa. Qua đó giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống xử lý nước công cộng.
Nguyên lý hoạt động:
Vườn thoát nước mưa được xây dựng nơi chỗ trũng để hứng nước mưa rơi tự nhiên và từ trên cao xuống. Mặt trên cùng được trồng cỏ, cây bụi thấp hoặc các mẩu gỗ (mulches). Nước mưa sau khi thấm qua lớp cây/cỏ trên cùng sẽ thấm xuống phần cát mịn để giữ lại sỏi/cát, dầu và một số kim loại nặng. Lần lượt xuống sâu hơn là lớp đất sần, đá vụn và lớp lót nylon chống thấm bao xung quanh toàn bộ hệ thống. Nước mưa sau khi được lọc qua hệ thống này sẽ đi vào một đường ống nhỏ với những lỗ thấm nước. Một đầu của đường ống được dẫn lên trên mặt đất để có thể bảo trì và súc rửa đường ống. Sau cùng nước mưa đã qua xử lý sẽ được dẫn ra đường ống chính.
Trong trường hợp mưa lớn vượt quá thiết kế lọc của hệ thống, một đường ống thoát nước khẩn cấp được lắp với đầu vào (overflow pit or inlet) cao hơn lớp đất, sẽ dẫn thẳng nước ra đường ống thoát nước chính mà không qua xử lý.
Đối với TVĐĐ, từ đây nước mưa được tạm giữ lại trong bồn lớn – detention basins ( những ống thép 72 inches hàn kín lại với nhau, được lấp dưới sườn đồi ở hướng Tây) và chậm rãi thoát ra đường ống thoát nước của thành phố.