Sách giảng

TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA BẬC ĐẠI NHÂN: ĐIỀU GIÁC NGỘ THỨ BA

CHÁNH VĂN:    

Âm: Dịch:

弟三覺知
心 無 厭 足
唯 得 多 求
增 長 罪 惡
菩 薩 不 爾
常 念 知 足
安 貧 守 道
唯 慧 是 業

Đệ tam giác tri,
Tâm vô yểm túc,
Duy đắc đa cầu,
Tăng trưởng tội ác,
Bồ-tát bất nhĩ,
Thường niệm tri túc,
An bần thủ đạo,
Duy tuệ thị nghiệp.

Giác ngộ thứ ba,
Tâm không biết đủ,
Chỉ thích cầu nhiều,
Tăng trưởng tội ác,
Bồ-tát không thế,
Thường nhớ biết đủ,
Giữ đạo vui nghèo,
Trí tuệ sự nghiệp.

GIẢNG:
TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA BẬC ĐẠI NHÂN: ĐIỀU GIÁC NGỘ THỨ BA
Thứ ba là giác ngộ rằng tâm ta không bao giờ biết chán đối với dục lạc, luôn muốn được nhiều, vì vậy tội ác tăng trưởng. Bậc Bồ-tát thì không như thế, các ngài luôn nghĩ biết đủ, sống an vui thanh đạm để hành đạo, lấy trí tuệ làm sự nghiệp của mình.

Những năm đầu theo Thầy lên núi tu hành, huynh đệ chúng tôi chỉ có khoảng mười người. Nhưng mỗi người là một vũ trụ, một phương trời, không ai giống ai hết. Hôm nào anh em cùng ngồi bên nhau bàn luận về một vấn đề, cuối cùng chẳng có ý kiến nào trùng hợp ý kiến nào. Nếu có trùng hợp là do người chịu trách nhiệm chủ trì khéo léo hướng dẫn huynh đệ cùng hướng về một điểm, cùng tiến, cùng đồng lòng; bằng không sẽ phân ngả mỗi người mỗi hướng khác nhau. Đã xuất gia sống đời lục hòa, chúng ta phải có điểm chung với nhau. Cho nên các vị lãnh đạo thường nói đại chúng phải hỗ tương, giúp đỡ nhau cùng tu tiến.

Hòa thượng Trúc Lâm dạy tìm sự hoan hỷ bằng cách buông bỏ hết những cái riêng tư. Nếu chúng ta dốc lực buông bỏ hết thì có điểm gặp nhau. Đây là hướng tu thiền. Nếu trong tâm còn những vướng mắc chấp chặt, thì nhất định không làm sao huynh đệ sống hòa hợp được. Nhờ cuộc sống lục hòa cộng trụ nên con đường chúng ta đi thông thoáng, vui vẻ thẳng tiến. Hồi trước tôi có người huynh đệ tu và làm việc rất giỏi nhưng có một điểm không giống ai hết. Mỗi chiều khi thấy hoàng hôn xuống, huynh nói nhớ nhà quá, không muốn ở chùa nữa. Tôi lấy làm ngạc nhiên sao huynh này lạ vậy, sáng muốn tu, chiều lại muốn về nhà!

Tu giỏi nhưng còn vướng mắc gia đình nên không có niềm vui. Và một khi có ý bỏ cuộc thì cuối cùng bỏ cuộc thật. Con người một nắng mười mưa, bước tới một bước, bước lùi hai ba bước, rồi đứng lại nghỉ mát, đi như vậy biết chừng nào tới đích. Đó là vấn đề chung quanh cuộc sống của chúng ta. Vậy thì nên buông bỏ cái gì và khi buông bỏ hết rồi chúng ta còn cái gì để sống. Có người hỏi Hòa thượng Trúc Lâm:
– Buông bỏ hết, con còn cái gì?

Hòa thượng đáp:
– Buông đi, bỏ đi. Bỏ hết thử xem còn cái gì.

Đây là bệnh của một số người chưa dám buông bỏ hết, sợ không còn cái gì để bám. Một lần tôi theo Hòa thượng về quê, đến chùa Phật Quang phải qua một đoạn đường, phía trước là sông lớn. Dọc bên sông là dãy nhà của dân, sau dãy nhà có rất nhiều con rạch. Qua rạch bằng những cầu cây gòn hoặc cây cau không tay vịn. Bước sang cầu là ruộng. Ruộng miền đó, mùa nước không chỗ nào đặt chân xuống mà không bị lún sình. Người nào sợ phần nhiều bị rớt, những người đi một cách tự nhiên thì qua được. Chính bản thân tôi khi tới đầu cầu phải đứng lại. Hòa thượng nói “Chùn bước rồi hả chú?” Tôi nghĩ trong bụng mình cũng dân quê, có cây cầu thôi làm gì phải chùn bước, nên đi tiếp và qua được bên kia. Đó là kinh nghiệm và cũng là một bài pháp để chúng ta ứng dụng vào đời tu của mình.

Khi mới vào đạo nghe quý thầy nói con đường tu hành rất xa xôi vất vả, nếu tu theo Tịnh Độ thì từ đây qua thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà mười muôn ức cõi nước. Tôi tự hỏi đi bằng phương tiện gì, đi làm sao mà tới được? Qua trải nghiệm trong cuộc đời, chúng ta tu hành thấy khó nhưng nếu quyết tâm và niềm tin vững chắc thì sẽ đến nơi. Tin chắc điều gì? Tin chắc chúng ta mặc đồ tu, có rớt xuống mương leo lên giặt cũng dễ. Có niềm tin thì khó khăn sẽ không còn cản trở được bước chân của chúng ta. Nhìn vào gương của những người xưa, cộng với phúc duyên của mỗi người thì không còn khó khăn nào làm mình ngán sợ.

Có người than với tôi: “Con tu nhiều năm mà vẫn không nhận ra được Phật pháp để hành trì”. Câu này nếu gặp thiền sư, ngài sẽ nói: “May mắn đó con.” Chúng ta chưa nhận ra được chân tâm, chưa thật sống với bản thể nên vẫn còn những va chạm làm buồn lòng nhau. Chỉ khi nào chúng ta quyết tâm buông bỏ, nhất định sẽ có những bước tiến rõ rệt. Phật dạy tâm suy nghĩ vẩn vơ là giả, mọi thứ xung quanh cũng không thật, nhưng sao chúng sanh bỏ rất khó. Việc tu hành tuy có những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, nhưng cuối cùng chúng ta đã định hướng, đã quyết tâm thì nhất định sẽ vượt qua và khắc phục, không có gì khó khăn.

Chỉ cần một chữ buông mà chúng ta có thể sống đời nhàn hạ, chỉ cần một chữ buông chúng ta có thể sống đời hòa hợp thương yêu. Nhưng buông cái gì? Hòa thượng dạy: – Sáng nay ngồi thiền chú thấy cái gì ló lên thì buông bỏ nó đi, chiều ngồi thiền cái hồi sáng nó không ló lên nữa đâu, có cái gì khác thì chú cũng buông bỏ tiếp. Một năm ở trong thiền viện không biết mấy ngàn vạn lần hình ảnh, số lượng nhiều như vậy, trong kinh ví như số cát sông Hằng. Chúng ta đã dẫm chân vướng mắc trong cuộc đời này, nếu không buông bỏ thì chắc chắn trong lòng đầy ắp những chuyện không đâu nên không yên. Vậy thì chúng ta cố gắng buông bỏ cho được, buông bỏ được nhất định niềm vui sẽ giúp chúng ta tu tiến.

Trong điều giác ngộ này, trước tiên là nói đến “Tâm vô yểm túc”. Do vì chúng ta chưa nhận được chân tâm nên những vọng động về quá khứ, mơ ước tương lai nhiều vô kể, bởi nhiều nên tu không yên ổn. Chính vọng tưởng đã làm chúng ta trôi lăn từ đời này qua bao kiếp khác, thương nhớ buồn vui khổ đau cứ chất chồng lên tâm thức khiến chúng sanh lao lự, điên đảo không có một phút an vui. Có những vị đã xuất gia rất lâu, đã thọ giới cụ túc mà chưa nhận được tâm chân thật, cho nên cứ lo gom giữ, dính mắc, muốn buông không buông được. Chỉ bao giờ người nhận ra được tâm thật của mình, thấy mọi thứ bên ngoài đều là giả, lúc đó chúng ta mới thật sự không còn bám víu vào dục lạc bên ngoài.

Nhưng làm cách nào để nhận ra tâm chân thật của chính mình? Hòa thượng dạy muốn nhận được chân tâm thì phải ngồi thiền. Như trong đống rác có nhiều thứ, chúng ta phải loại hết các thứ tạp nhạp ra để tìm cái mình cần. Như người chăn trâu, trâu bỏ đi hoang không thấy bóng dáng của nó thì phải đi tìm. Chân tâm là cái rỗng rang sáng suốt, muốn thấy được tâm thật thì trong lòng đừng dính mắc cái gì khác. Giả tỷ chúng ta đang nghiêm chỉnh ngồi đọc sách, chợt nghe có nhiều người nói chuyện lớn tiếng, tai mình bắt đầu nghe ngóng xem người ta nói chuyện gì, nếu có tên mình thì chúng ta liền nhảy ra để tham gia. Bao giờ còn lanh lợi, khôn ngoan thì tâm lăng xăng quấy động, chưa có hướng quay lại sống và nhận được chân tâm của mình.

 Ví như trong nhà có sáu cửa, bên trong có con khỉ kêu choé choé, ở ngoài cũng có con khỉ kêu choé choé. Con khỉ ngoài kêu choé choé thì con khỉ bên trong cũng kêu choé choé. Cuộc sống chúng ta cũng như vậy, trầm luân trôi giạt nhiều đời nhiều kiếp, bởi con khỉ bên trong quá lanh lợi khôn ngoan, rồi con khỉ bên ngoài lại khỏe mạnh phi thường. Hai con cứ như thế mà trao đổi, dẫn chúng ta băng rừng lội suối, lên trời xuống bể bao nhiêu đời kiếp. Bây giờ được thiền sư nói cho nghe rằng: – Ông ơi! Hãy để con khỉ ở trong chết đi. Chỉ cần con khỉ bên trong chết thì tâm được rỗng rang sáng suốt. Chúng ta đừng mong con khỉ bên ngoài chết, vì nếu con này chết thì có con khỉ khác còn lanh hơn. Thôi thì con khỉ nào bên ngoài cũng được, miễn con khỉ bên trong chết là yên, đất nước thái bình, chiến tranh can qua không còn nữa. Lúc đó hành giả mới thật sự sống được với chân tâm, trở về với chánh pháp. Nếu không thì chúng ta cứ lao theo bên ngoài, vọng động nổi chìm trong sinh tử triền miên.

Chúng ta phải làm sao quán chiếu bỏ hết, đó là biết thương mình, biết tri túc. Biết thương mình là sao? Như vừa rồi chúng ta đi khám bệnh, Bác sĩ nói cơ thể ông tốt lắm; gan, lá lách, phèo, phổi… có thể sống được một trăm tuổi. Bây giờ chúng ta trên bảy mươi tuổi rồi, khoảng thời gian còn lại không nhiều nên phải bỏ hết những lăng xăng, những vướng mắc đang làm chúng ta mệt nhoài đảo điên đây. Vì vậy đối với các bậc Bồ-tát thì: “An bần thủ đạo”, ngày nào còn sống là còn tu, giờ nào còn sống là còn tu, phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Bác sĩ nói là một trăm tuổi chứ không chắc được vì tai họa đủ thứ, do muốn lấy lòng nên Bác sĩ nói cho mình mừng chơi thôi, chứ một hơi thở ra mà không hít vào là ngủm.

Chúng sanh lúc nào cũng tham sống sợ chết, thích sống cho lâu, nắm bắt cho nhiều, tạo nghiệp cho dữ, để rồi tội ác cũng theo đó phát sinh. Trầm thống cũng từ đây mà phát nguồn, đi khắp các nẻo tử sinh lăn qua lộn lại đủ thứ hình trạng chỉ vì chẳng bao giờ biết đủ. Ngược lại, đối với các bậc Bồ-tát thấy được lẽ thật của các pháp, biết nó là vô thường giả có. Sống đời thanh đạm để phát huy đạo nghiệp, lấy trí tuệ làm tiêu điểm, Phật gọi đó là bậc Đại nhân.

Tôi có một định hướng, xin chia sẻ để huynh đệ nắm bắt và ổn định tâm tư, nguyện vọng mà yên lòng tu tập. Hòa thượng Ân sư của chúng ta từng dạy ngay trong đời này, trước nhất là làm sao chúng ta giải quyết được vấn đề sinh tử. Muốn giải quyết được việc lớn đó phải thật sự an ổn, yên lòng tu tập, buông bỏ không chạy theo vọng tưởng, không lầm nhận vọng tưởng. Một niềm vinh dự vô cùng lớn lao là Phật Tổ, các bậc thầy đều dạy mỗi người chúng ta có sẵn trí tuệ đức tướng Như Lai. Vì vậy nếu chúng ta biết tri túc, đừng tham cầu những cái huyễn giả, thì sẽ gần gũi sống và phát huy được trí tuệ chân thật của chính mình.

Chính đây là điểm mà các vị thiền sư thời Trần nhắn gởi người sau: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Ngay nơi chúng ta có đủ hết không thiếu thứ gì. Các vua Trần như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông… đang ở tột đỉnh uy quyền, vinh quang nhưng các ngài biết nó đều không thật, nên bỏ đi để bước vào cuộc sống đạo, gầy dựng cái thật cho chính mình.

Vua Trần Nhân Tông hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ việc bổn phận tông chỉ, Tuệ Trung dạy rất giản dị “phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, soi sáng lại chính mình là việc chính, không từ ngoài mà được, không thêm gì hết. Đối với vua, giang sơn xã tắc, bá tánh muôn dân là tất cả của vua, nhưng khi chỉ thẳng tông chỉ, Tuệ Trung Thượng Sĩ khuyên vua nên soi sáng lại chính mình là bổn phận, không từ người khác mà được. Từ đó vua bỏ tất cả, lên núi Yên Tử tu. Đọc vào những trang sử thiền, chúng ta thấy hành trạng của chư vị Tổ sư, các bậc thầy đã tu chứng đi trước, không có vị nào dạy chúng ta phải thêm cái gì khác, chỉ đừng dính mắc vào trần cảnh bên ngoài. Điều này rất thực tế.

Giả như huynh đệ nào đó nghĩ ngợi không biết mình tu tới cùng hay không, có chuyện gì xảy đến với mình không? Chúng ta không cần thiết phải nghĩ xa như vậy. Ngay bây giờ nếu ta đừng chạy theo những âm thanh, như ở đây có tiếng cưa, tiếng cắt, tiếng ồn ào bên ngoài nó hú, nó ré đủ thứ… chúng ta vẫn nghe nhưng không chạy theo nó, nếu được như vậy thì thật sự rất an ổn. Đây là điều thực nghiệm chứ không phải lý thuyết suông. Ngay nơi đây chúng ta buông hết những vọng niệm, đừng chạy theo cảnh bên ngoài, hằng biết hằng nghe thì an vui sẽ có mặt. Nếu huynh đệ nào hữu duyên cảm nhận được lẽ thật đó thì cuộc sống sẽ thênh thang, vui vẻ, không có gì bên ngoài sánh bằng.

Nếu như Bác sĩ ấn định, chúng ta còn sống hai mươi hay ba mươi năm, đó là giả thuyết thôi. Phật đã dạy mạng người chỉ là hơi thở, Hòa thượng Trúc Lâm từng khuyên tu hành, làm sao phải đảm bảo nâng nó đến mức độ xem như hơi thở, không nên chạy theo dính mắc một vấn đề gì ở bên ngoài. Công phu như là hơi thở, nếu chúng ta không làm được việc đó xem như là chết. Như vậy khi chúng ta nhận được lẽ thật thì sẽ có cách bảo vệ công phu tu hành. Nhận ra như thế nào là tùy theo từng nhân duyên mỗi vị, nhận thì không khác, khi nó hiển lộ rồi thì không còn ngược xuôi nữa, sự thật như nhiên. Một khi thật sự sống được với cái chân thật, huynh đệ lúc nào cũng an vui, sự tu mỗi ngày càng tăng tiến rõ. Từ đó chúng ta cố gắng nâng đỡ dìu dẫn nhau, cùng hỗ trợ trong tinh thần lục hòa để lý tưởng mỗi người được thăng hoa.

Như vậy chúng ta muốn tu hành được tiến bộ, trí tuệ hiện bày, thì phải làm sao? Trí tuệ chúng ta đã có sẵn nhưng chưa phát triển, vì bị những thứ bên ngoài chi phối, giờ làm sao cho trí tuệ phát triển, đó là việc chính của mỗi người. Chúng ta sống làm sao cho thật an ổn, không để bất cứ chuyện gì làm trở ngại tâm Bồ-đề. Chuyện buồn vui, mắc míu, liên hệ gì đó chúng ta phải tháo, chặt đứt, thì tâm chân thật mới hiện bày, gọi là “Chân tâm vô niệm”. “Chân tâm vô niệm” thì không buồn vui, không lo lắng, tất cả đều là Phật Pháp, đó là tâm thể, là Như Lai tự tánh, là chủ nhân ông… Ngay đây mỗi người tự nhận và sống lấy.

Mục đích người tu là gì? Là phải tìm cho mình vốn sống và phát huy vốn sống đó. Giả như trong cuộc sống hằng ngày đây, có một huynh đệ cố gắng tu hành nhưng trong một ngày lại vướng phải vài lần khởi niệm hơi bực bực. Lúc đó chúng ta phải làm sao? Không cần biết phải bực ai, vì sao bực? Chúng ta chỉ cần sống trở về với cái thật của mình thì nỗi bực tức sẽ bớt, đến một lúc nào đó tâm nhẹ nhàng, dường như không còn nỗi bực đó nữa. Như vậy khi biết sống trở về với lẽ thật thì muộn phiền đã vơi, đã đi xa, không còn dính dáng hay tiếp cận với chúng ta. Phát huy được sức sống nội tại rồi hành giả có thể nói thiền hay viết những đoạn văn dài miêu tả những sự kiện về niềm vui chân thật đó.

Như hồi xưa trên bàn Quá đường chúng ta thấy có người đi qua cầm khánh hay chuông gì đó mình cảm thấy bực, nói làm cái chuyện cũ xì; bây giờ cũng thấy vậy nhưng không còn thấy bực nữa, chúng ta vẫn yên lòng làm chuyện của mình. Hòa thượng thường nói chúng ta thích làm cảnh sát quốc tế, hay kiểm tra thiên hạ lắm, không chịu nhìn lại chính mình để sửa, mà nhìn thiên hạ rồi phê phán lên án. Bây giờ nhận được chỗ sống rồi, phải biết mình, đừng mắc míu chuyện bên ngoài. Một điểm này thôi chúng ta có thể làm chủ cuộc đời và sống an lạc.

Ngay trong đống rác tìm thấy báu vật, ngay nơi thân ngũ uẩn nhận sống trở lại bản tâm trong sáng của chính mình, chúng ta không nên tìm ở đâu khác. Ngay nơi thân bệnh hoạn này, ngay nơi điều kiện còn quá nhiều cây cảnh, đất đai sình lầy này chúng ta tìm được an lạc. Niết-bàn thật sự có ở đây và ngay trong lòng mình. Phát huy được trí chân thật rồi thì có thể nói hai mươi năm, ba mươi năm, đời này, đời khác, từ đây cho đến ngày thành Phật thời gian không còn giới hạn. Trong tíc tắc chúng ta nhận được điềm báo đặc biệt đó, không phải đợi hoa Linh Thoại một ngàn năm sau mới nở mà ngay bây giờ một vị Phật đang có mặt ở đời. Đại chúng có tin điều đó không? Nếu thật sự không cảm nhận được lẽ thật đó thì việc làm hiện tại của chúng ta không có ý nghĩa gì.

Tại sao chúng ta ăn cơm phải ngồi ngay đơ cứng ngắc? Tại sao phải tụng Bát-nhã hết thời này cho đến thời khác? Tam tạng kinh điển chất tủ này đến tủ kia, mà sao cứ chọn Bát-nhã tụng hoài. Trời đất mênh mông, tại sao đi không được ngó bên này bên kia mà phải nhìn thẳng? Tại sao? Tại sao? v.v… Người tu có nhiều phi lý quá, nhưng đại chúng cứ yên lòng sống. Đối với pháp môn đang tu tập cộng với điều kiện nhân duyên này, chúng ta sẽ nhận ra được chính mình, sẽ có niềm tin trong công phu hành thiền. Lúc 10 giờ 45 phút đánh kẻng thọ trai, chúng ta cứ đi thọ trai, đừng hỏi tại sao phải đánh kẻng, tại sao phải thọ trai. Không có tại gì hết. Những buổi chiều mát mẻ, năm ba huynh đệ đi lòng vòng ngắm chỗ này ngó chỗ kia vui thích, mắc mớ gì tới 6 giờ phải đánh chuông đánh bảng đi tụng sám hối? Phải chi tụng kinh gì mới, ba bốn tháng nay cứ tụng đi tụng lại “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, bấy nhiêu đó làm hoài? Thật sự có khi chúng ta thấy bức xúc chứ. Nhưng đến một lúc nào đó… “À!” Không có gì bức xúc cả, tụng thì cứ tụng. Hương đăng chịu trách nhiệm đánh kẻng thì cứ đánh, đúng 6 giờ mới đánh nha, cô đừng có đánh trước mà cũng đừng có đánh sau 6 giờ để bị rầy. Một khi chúng ta thấy được ý nghĩa vô cùng giản dị này thì làm việc gì cũng có ý nghĩa. Ăn cơm, học hành, đi lại, mọi thứ đều có ý nghĩa. Ngược lại, chúng ta thấy sao nó phi lý vô nghĩa quá, tụng hoài chỉ có bấy nhiêu đó thì ma mị vọng tưởng dẫn mình đi không biết đến đâu.

Ở đây nói “Tâm vô yểm túc”, yểm túc là gì? Yểm là chán, túc là đủ. Không bao giờ biết chán, không bao giờ biết đủ. Trong đời sống này nếu không có Phật pháp, không gặp bậc thầy sáng thì chúng ta cứ lao ra, chạy theo, dính vào các trần cảnh. Các bậc đại nhân nói chính những vọng động nó dắt chúng ta vào thế đồ, vào luân hồi sinh tử. Chúng ta may mắn gặp được Phật pháp, hữu duyên nhận và sống được “quá an ổn”. Nhưng chúng ta đừng la lên tôi quá an ổn, la lên người ta nói mình điên đó. Quá an ổn, quá khỏe, sung sướng rồi nhưng đừng nói gì hết. Cô hương đăng cứ làm hương đăng, cô làm rẫy tưới cây thì cứ làm rẫy tưới cây. Quê hương này quá yên ổn, sinh hoạt tu học nơi đây quá vui, chứ không phải quá buồn.

Qua điều giác ngộ thứ ba của bậc đại nhân mở cho chúng ta hướng tiến là quay về nhận lại trí tuệ bản hữu của chính mình. Vất bỏ hết những gì mà lâu nay chúng ta ôm đồm, toan tính thì sẽ được giác ngộ. Giác ngộ thì trí tuệ sẽ tăng trưởng. Mong rằng đại chúng trí tuệ lúc nào cũng tăng trưởng, lúc nào trên gương mặt cũng rạng ngời niềm vui. Đây là những đứa con gái lành, con trai lành của đức Phật đã không còn bị lầm chạy ra bên ngoài nữa, nhận và sống được với tâm thể của mình, trí tuệ luôn tròn đầy. Thời gian viên mãn không cần phải nói, không hai mươi năm, ba mươi năm gì hết, mà ngay đây bây giờ tức thì viên mãn.

Đó là hạnh nguyện phát tâm cầu đạo, hành đạo và cũng là chỗ viên thành Phật đạo của chúng ta. Tam bảo gia hộ nhất định tất cả chúng ta sẽ thực hiện tâm nguyện của mình thành công viên mãn.

(Xin mời đọc tiếp Điều Giác Ngộ Thứ Tư trong tháng Tư)