Có một người nọ đến tiệm hớt tóc quen để cắt tóc, cạo râu và lấy ráy tai. Trong lúc hai bàn tay thoăn thoắt làm việc, bác thợ luôn miệng trò chuyện rôm rả với thân chủ. Những mẩu chuyện đầu Ngô mình Sở dẫn dắt thế nào mà bỗng dưng họ lại sa đà qua đề tài tâm linh, thần học.., rồi xoay qua chủ đề: Đức Phật có hay không?
Thợ hớt tóc vừa đưa một đường kéo ngọt xớt tỉa chỏm tóc lòa xòa trước trán thân chủ vừa phán một câu chắc nịch: “ Làm gì có ông Phật trên đời !”
Vốn là một người sống tâm linh, thế nên khách không khỏi phật ý, bèn vặn lại: “Tại sao bác nói thế?”
Bác thợ nói luôn một mạch: “Thì cứ ra phố mà xem. Nhiều trẻ em phải lang thang kiếm sống. Lắm người già yếu còn phải còng lưng dầm mưa dãi nắng bán rong. Bao kẻ không nhà đêm đêm vẫn mượn vỉa hè nằm co ro lăn lóc. Chưa kể là vào các bệnh viện nào cũng thấy chen chúc và đầy dẫy nghịch cảnh đau lòng… Nếu quả thật trên đời này có một ông Phật từ bi luôn thương xót chúng sinh, thì cớ sao những mảnh đời khổ ải đó lại không được Ngài cứu vớt?!”
Ông khách làm thinh.
Khi trả tiền xong, khách bước ra khỏi tiệm hớt tóc và bắt gặp bên kia đường một người râu tóc lùm xùm, thậm thượt, rõ là đã lâu ngày không hớt không cạo. Khách liền quày trở vào tiệm nói lớn:
– “Bác thấy đó, trên đời này làm gì có thợ hớt tóc!”
Bác thợ sửng sốt: “Nói vậy mà nghe được à! Thế tôi là ai? Ai vừa mới hớt tóc cho anh ở đây?”
Ông khách kéo bác thợ cắt tóc ra cửa, chỉ sang bên kia đường: “Đấy! Thợ hớt tóc không hề có, vì nếu có thì người kia đã không phải để râu tóc lùm xùm, thậm thượt như vậy.”
“Sai bét! Thợ hớt tóc vẫn luôn có, nhưng tay đó không chịu bước vào tiệm thì dẫu có đông có nhiều chăng nữa, thợ hớt tóc cũng đành bó tay.”
Khách mỉm cười: “Chính xác! Đức Phật cũng vậy mà thôi. Ngài luôn luôn đưa tay ra chờ đợi chúng ta, nhưng chúng ta không chịu tìm đến mà nắm lấy tay Ngài. Chúng ta luôn tìm đủ cách phủ nhận Đức Phật và kiêu ngạo với tài hèn sức mỏng của mình. Đó là nguyên do sâu xa của mọi nỗi đau khổ trên thế gian này!”
Bàn thêm:
Thế thường, nhân gian ”cầu được, ước thấy” thì mới tin vào Phật. Cầu không toại nguyện thì bảo Phật không thiêng, không có Phật. Kỳ thật, Đức Phật xuất hiện trong đời đâu phải để cho con người đem lòng tham cầu của mình ra mà trắc nghiệm sự tồn tại của Ngài. Muốn biết Phật có ”cứu vớt ” hay không, bạn nên nghiên cứu và thực hành theo giáo Pháp của Ngài một cách đích thực thì mới cảm nhận được. Điều gọi là: ” Bàn tay Ngài luôn đưa ra” đó chính là giáo Pháp. Giáo Pháp đó như tấm bản đồ, bạn theo đó mà đi thì sẽ thoát khổ và tự thân cảm nhận hạnh phúc, không còn tự biến mình thành nô lệ cho dục vọng và cho đối tượng mà bạn cầu xin.
CÀ RỐT, TRỨNG VÀ HẠT CÀ PHÊ
Cô con gái hay than thở với cha sao bất hạnh này cứ vừa đi qua thì bất hạnh khác đã vội ập đến với mình và cô không biết phải sống thế nào. Có những lúc quá mệt mỏi vì vật lộn với cuộc sống. Cô đã muốn chối bỏ cuộc đời đầy trắc trở này.
Cha Cô vốn là một đầu bếp. Một lần nghe con gái than thở, ông dẫn cô xuống bếp. Ông bắt ba nồi nước lên lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng rồi lại để chúng tiếp tục sôi, không nói một lời.
Người con gái sốt ruột không biết cha cô định làm gì. Lòng cô đầy phiền muộn mà ông lại thản nhiên nấu.
Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng tô khác nhau.
Ông bảo con gái dùng thử cà rốt. “Mềm lắm cha ạ!”, cô gái đáp. Sau đó ông bảo con bóc trứng và dùng thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.
– Điều này nghĩa là gì vậy cha? – Cô gái hỏi.
– Ba loại thức ăn này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau là nước sôi 100 độ. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác.
Cà rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luột sôi chúng trở nên rất mềm.
Còn trứng lúc chưa luột rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong. Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn.
Hạt cà phê thì thật kỳ lạ. Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rẩt đậm đà.
Người cha quay sang hỏi cô gái:
– Còn con? Con sẽ là loại nào khi gặp phải nghịch cảnh?
Con sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp, nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực?
Con sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay. Nhưng sau một lần tan vỡ sẽ chín chắn và cứng cáp hơn?
Hay con sẽ giống hạt cà phê? Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu không sôi ở 100 độ. Khi nước nóng nhất thì cà phê mới ngon.
Cuộc đời này cũng vậy con ạ. Khi sự việc tưởng như tồi tệ nhất thì chính lúc ấy lại giúp con mạnh mẽ hơn bao giờ cả. Con sẽ đối mặt với cuộc đời như thế nào? Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
(Sưu tầm)