Bài viết hay

CÓ VÀ KHÔNG

CÓ VÀ KHÔNGCó một vị cư sĩ đến học đạo và thỉnh vấn Trí Tạng thiền sư như sau: “Xin hỏi thiền sư thiên đường và địa ngục có hay không?”. Thiền sư trả lời “có”.

Ông ta hỏi tiếp: “Xin hỏi Phật và Bồ tát có không?”
– “Có”

– “Xin hỏi có nhân quả báo ứng không?”
– “Có”

Ông ta hỏi bất cứ điều gì, Trí Tạng thiền sư đều trả lời “có”.

Sau khi nghe xong vị cư sĩ này cảm thấy hoài nghi liền phản ứng rằng: “thiền sư! Ngài nói sai rồi”.

Thiền sư ôn tồn đáp “tôi nói sai ở đâu?”

 

 

Vị cư sĩ cao giọng nói “con đã hỏi Kinh Sơn thiền sư và Ngài đều nói “không””.
– “Nói “không” như thế nào?”
– “Con hỏi: có nhân quả báo ứng không? Kinh Sơn thiền sư nói “không”; có Phật Bồ tát không? trả lời “không”; có thiên đường địa ngục không? cũng nói “không” và con hỏi những gì thì Kinh Sơn thiền sư đều trã lời “không”. Nhưng ngược lại đối với Ngài thì tất cả đều nói “có”.”

Trí Tạng thiền sư hiểu rỏ căn tánh và trình độ của vị cư sĩ ở cấp bậc nào rồi và vui vẻ nói: “Ồ! ông có vợ không?” Vị cư sĩ thưa “dạ có”“ông có con không?” – “dạ có”“Ông có tiền của không?” – “dạ có”“Ông có nhà cửa xe cộ không?” – “dạ có”.

Trí Tạng thiền sư lại hỏi tiếp: “Kinh Sơn thiền sư có vợ không?” Vị cư sĩ nọ thưa “dạ không”“Kinh Sơn thiền sư có con không?” – “dạ không”“Kinh Sơn thiền sư có tiền của nhà cửa không?” – “Dạ thưa không”.

Trí Tạng thiền sư kết luận: “Vì thế Kinh Sơn thiền sư trả lời với Ông “không”. Ta Trả lời với Ông“có” vì Ông có vợ, con,…”

Lời bàn:

Vấn đề này đối với người này nói “có”, đối với người khác nói “không” như vậy có khác nhau không? Thật ra, không có gì khác cả, đạo thì chỉ có một, “có” “không” là hai mặt của đạo mà thôi. Đạo là tùy theo căn tánh của con người mà có khác nhau. Hỏi đáp và trả lời của thiền sư lúc thì “có” lúc thì “không” chỉ vì trình độ của chúng ta có khác hoặc là thứ tự hiểu biết vấn đề của chúng ta có khác nhau mà thôi.

BA CÁI BÁNH ÍT

Có một lão thầy pháp đi hành nghề, dắt theo một chú đệ tử nhỏ. Trong lúc đang cầu đảo cho gia chủ, lão lén lấy được ba cái bánh ít và dúi cho thằng đệ tử đang đứng quạt hầu sau lưng. Đám xong, hai thầy trò ra về. Trên đường về lão thầy pháp bảo đồ đệ lấy bánh ít ra ăn lót dạ. Thằng bé ấp úng nói:
– Khi nãy, con tưởng thầy cho con… nên con… ăn hết cả rồi!

Hai thầy trò đành tiếp tục đi, thầy trước trò sau, được một quãng, ông thầy quay lại mắng đệ tử:
– Bộ tao là tù nhân hay sao mà mày đi tò tò phía sau như là công an áp giải tội phạm vậy?

Trò nghe quở, lật đật chạy đi trước. Ông thầy lại nạt nộ:
– Bộ mày là thầy tao hay sao mà dám đi trước tao?

Chú bé liền đi ngang hàng với ông thầy. Bấy giờ, ông thầy liền trợn mắt quát:
– Bộ mày là bạn bè tao sao mà dám đi ngang hàng với tao?

Chú học trò khổ sở lúng túng, đành vòng tay thưa:
– Bạch thầy, vậy thì đệ tử phải đi cách nào cho đúng lễ đây?

Đến lúc nầy, ông thầy pháp mới chịu nói rõ ý mình:
– Mày muốn đi kiểu nào cũng được.. miễn sao có ba cái bánh ít trả lại tao thì đúng lễ ngay.

Lời Bàn:

Sự thật, đôi khi lại khó nói biết là bao. Có lẽ vì vậy mà loài người phải có thật nhiều từ ngữ… để nói một cách dài dòng như lão thầy pháp trên đây vậy!

(Sưu tầm)