Sách giảng

NỤ CƯỜI TRONG CHÁNH NIỆM

Thích Nhất Hạnh
oOo

Chánh Niệm trong lúc làm việc

NỤ CƯỜI TRONG CHÁNH NIỆMCông việc hằng ngày gọi là để “sinh sống” của ta, ta cũng có thể làm như ta rửa bát. Tại Phương Vân Am tôi có nghề đóng sách. (…) Nhưng trước khi đóng sách, tôi còn phải “lượm sách, nghĩa là phải thâu những tờ sách rời, gom lại theo thứ tự các trang để làm thành một tập. Những trang nầy tôi sắp trên một các bàn thật dài, và hễ đi một vòng quanh bàn thì tôi lượm đủ số trang cho một cuốn sách. Tôi biết là tôi đang đi quanh, và không có gì đợi tôi phía trước, cho nên tôi đi chậm thôi, và lượm từng tờ sách thong thả trong quán niệm. Tôi vừa làm vừa thở những hơi thở nhẹ nhàng, hơi dài và có ý thức. Tôi có an lạc trong khi lượm sách, đóng sách và vào bìa sách.

Nếu thi đóng sách với những người thợ khác thì tôi thua, bởi vì tôi đóng được ít sách hơn. Nhưng có một điều tôi biết chắc là tôi không chán ghét chuyện đóng sách. Mình tiêu xài nhiều thì mình phải làm việc cho nhiều và cho nhanh. Nếu mình sống đơn giản thì mình có thể làm ít và làm chậm trong quán niệm.

Tôi biết có rất nhiều người trẻ tuổi ưa được làm việc ít thôi, mỗi ngày chừng bốn giờ, với một số lương nhỏ có thể sống đơn giản nhưng hạnh phúc. Biết đâu đây chẳng là con đường khai thông cho tình trạng bế tắc của xã hội ngày nay? Bỏ bớt sự sản xuất những hóa phẩm không thiết yếu, san sẻ việc làm cho những người chưa có việc làm, sống đơn giản nhưng có hạnh phúc. Ðã có những cá nhân và những cộng đồng chứng minh được khả năng sống đơn giản mà hạnh phúc rồi, điều đó há không phải là một dấu hiệu đáng mừng hay sao?

Bạn hỏi tôi: trong khi rửa bát, làm vườn, đóng sách hoặc làm việc trong các hãng xưởng, làm thế nào để nuôi dưỡng chánh niệm?

Tôi nghĩ là bạn phải tìm ra câu trả lời cho chính bạn. Bạn làm thế nào mà mặt trời chính niệm sáng mãi trong bạn thì làm. Bạn có thể sáng tạo ra những phương thức thích hợp với bạn. Hoặc giả bạn áp dụng thử một vài phương thức mà người khác đã làm. Ví dụ bạn làm những bài thơ “cài nút áo” theo lối của thiền sư Ðộc Thể.

(…) Trong quyển Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, thiền sư Ðộc Thể dạy ta phải ý thức về mọi động tác của cơ thể ta: thức dậy thì biết thức dậy, cài nút áo thì biết cài nút áo, rửa tay thì biết rửa tay. Thiền sư lại còn làm những bài thơ nhỏ để ta thầm đọc khi ta rửa tay hoặc cài nút áo nữa, với mục đích giúp ta sống vững chãi trong chánh niệm. Ðây là bài thơ để cho bạn cài áo:

Chỉnh y thúc đới
đương nguyện chúng sanh
phục thắng thiện căn
bất linh tán thất!
( Giải nầy buộc, nút nầy cài,
Thiện tâm gìn giữ đêm ngày chẳng rơi )

(…) Hoặc bạn theo dõi hơi thở của bạn. Bạn nuôi chánh niệm bằng hơi thở ra và hơi thở vào, thở đến đâu thì bạn biết đến đấy. Tư tưởng nào hoặc cảm thọ nào phát khởi bạn cũng cho xuôi dòng theo hơi thở. Bạn nên thở thật nhẹ và hơi thở dài hơn lúc thường một tí. Một tí thôi, đủ để chứng minh là bạn thực sự đang theo dõi hơi thở.

Nụ cười đáng giá ngàn vàng

NỤ CƯỜI TRONG CHÁNH NIỆMTheo hơi thở, bạn nuôi dường chánh niệm được lâu lắm. Bạn thành công rồi phải không? Vậy thì bạn hãy mỉm một nụ cười. Nụ cười hàm tiếu. Ðể chứng tỏ bạn thành công. Và giữ mãi nụ cười ấy trên môi đi, như một Ðức Phật vậy. Nhìn thấy nụ cười, tôi biết ngay là bạn đang an trú trong chánh niệm.

Cái nụ cười hàm tiếu ấy, nhiều nghệ sĩ đã từng ngày đêm đem hết công phu để thể hiện trên các tượng Phật. Bạn đã từng thấy nụ cười ấy trên nghệ thuật Gandhara hoặc trên nghệ thuật Ðế Thiên Ðế Thích chưa? Tôi chắc rằng trong khi thực hiện nụ cười đó trên mặt một tượng Phật, các điêu khắc gia kia cũng đang duy trì nụ cười đó trên mặt mình. Bạn có thể tưởng tượng được một điêu khắc gia nét mặt cau có đang thực hiện nụ cười hàm tiếu trên môi Phật không? Chắc là không! Tôi có quen biết điêu khắc gia đã thực hiện pho tượng Nhập Niết Bàn trên núi Trà Cú ở Phan Thiết. Trong suốt sáu tháng trời thực hiện pho tượng nầy, ông ăn chay, ngồi thiền và đọc kinh Ðại Niết Bàn.

Trên khuôn mặc nàng Mona Lisa, Leonard Da Vinci có để một nụ cười thật nhẹ, nhẹ đến nỗi không hẳn là một nụ cười mà là một sự dợm cười (khuynh hướng muốn cười!). Tuy nhiên một nụ cười như thế cũng đủ làm khoan thư hết cả những bắp thịt trên mặt và làm tiêu tán những lo lắng cau có và mệt nhọc trong người. Nụ cười hàm tiếu của người hành thiền ngoài tác dụng nuôi dưỡng chánh niệm, cũng có tác dụng khoan thư mầu nhiệm đó. Nó trả lại cho ta sự an lạc mà ta đã đánh mất.

Trong lúc đi bách bộ trên đồi, nơi công viên hay dọc bờ sông, bạn có thể vừa theo dõi hơi thở vừa duy trì nụ cười hàm tiếu. Vào những lúc cảm thấy mệt mỏi hoặc cau có, bạn có thể nằm duỗi dài hai chân hai tay, buông thả và khoan thư hết cả thân tâm, tất cả các bắp thịt, chỉ duy trì hơi thở và nụ cười. Buông thả trong tư thế nằm nầy là một phương pháp phục hồi sinh lực rất thần hiệu và nhanh chóng. Nếu bạn không thực hành mỗi ngày ít ra là vài ba lần thì thật là uổng cho bạn.

Nuôi chánh niệm, theo dõi hơi thở và duy trì nụ cười, đó là những hạnh phúc bạn tự ban cho mình, và phân phát cho người xung quanh bạn. Bạn có thể xuất nhiều tiền để mua nhiều món quà cho từng người trong gia đình bạn. Nhưng không món quà nào đem lại nhiều hạnh phúc cho họ bằng chánh niệm, hơi thở và nụ cười của bạn. Quý giá lắm mà lại không mất tiền mua! (…)

Nguồn: Bài nầy là một vài đoạn văn ngắn trích từ quyển “Trái Tim Mặt Trời: Từ Chánh Niệm đến Thiền Quán”, một cẩm nang tu thiền của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, NXB Lá Bối , 1985.

oOo